Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Đ. Khoa |
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất, là kẻ giết người số 1, gây ra trên 30% số ca tử vong trên toàn quốc.
Tăng huyết áp và đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch. Theo Báo cáo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2015, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và cứ trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường.
Số liệu điều tra cho thấy, 1 trong 2 bệnh nhân tăng huyết áp không biết tình trạng huyết áp của họ;2 trong 3 bệnh nhân đái tháo đường không biết tình trạng đường huyết của họ. Chỉ có 1 trong 8 bệnh nhân tăng huyết áp và ít hơn 1 trong 3 bệnh nhân đái tháo đường đang nhận được dịch vụ quản lý bệnh tại các cơ sở y tế. TS. Kidong Park |
Ông Trương Đình Bắc - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý kể trên bao gồm hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, ăn nhiều muối cũng như thiếu hoạt động thể lực chiếm tỷ lệ cao. Trong số đó, mức độ sử dụng muối chính là yếu tố quan trọng gây ra các bệnh lý không lây nhiễm. Theo Báo cáo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2015, mức độ tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO. Bên cạnh đó, các yếu tố như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Lấp “khoảng trống” trong phát hiện, điều trị bệnh
Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có 12 triệu người tăng huyết áp, nhưng mới phát hiện được khoảng 43% và chỉ 14% được quản lý điều trị, còn 56,9% không được phát hiện. Với bệnh đái tháo đường, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc, mới phát hiện được 31% và quản lý điều trị khoảng 29%. Còn lại 68,9% không được phát hiện, đồng nghĩa với không được kiểm soát, điều trị.
TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cho biết: Theo số liệu điều tra, có một “khoảng trống” điều trị rất lớn với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở người Việt Nam. Lý do quan trọng của “khoảng trống” này là dịch vụ hầu như không có sẵn tại các trạm y tế xã.
Số liệu từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, các bệnh không lây nhiễm chủ yếu được chẩn đoán, điều trị tại tuyến trên, chỉ có 12% trạm y tế xã quản lý bệnh tăng huyết áp; đồng thời thiếu cơ chế chính sách về tài chính, bảo hiểm y tế hỗ trợ cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, tại cộng đồng; năng lực của cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế…
Trước tình hình các bệnh không lây nhiễm gia tăng, Việt Nam đã có những cam kết để giải quyết các vấn đề trên. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ sức khỏe, trong đó có các giải pháp giảm tiêu thụ muối và thúc đẩy lối sống lành mạnh. Bộ Y tế cũng đang hành động mạnh mẽ để kiện toàn mạng lưới y tế và tăng cường y tế cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở - Ảnh: Duy Tiến |
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngành y tế cần điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và truyền thông giảm ăn muối tại các trạm y tế xã như: khám, chẩn đoán, quản lý điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp đơn thuần và tăng huyết áp ổn định ở tuyến trên chuyển về. Ngoài ra, trạm y tế xã cần tư vấn, dự phòng thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường; phát hiện ca nghi ngờ đái tháo đường chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định, đồng thời quản lý, cấp thuốc ngoại trú cho bệnh nhân ổn định theo đơn chỉ định do tuyến trên chuyển về; truyền thông nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi của người dân để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày...
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Resolve, Dự án Tăng cường quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã và truyền thông giảm muối ăn sẽ hỗ trợ 11 tỉnh trong điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường. Đợt thứ 2, Dự án sẽ hỗ trợ cho 10 tỉnh, thành phố. Để giảm muối ăn, Dự án sẽ hỗ trợ để xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong một số thực phẩm chế biến sẵn và tiến hành một chiến dịch truyền thông về giảm muối để nâng cao nhận thức của người dân. |
Đ. KHOA