Củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước
Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. BHXH Việt Nam ra đời tạo dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách BHXH theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Sự quan tâm này thể hiện cụ thể thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết, như: Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH… Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng.
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Ngành, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cũng không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển; là nền tảng pháp lý quan trọng để ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Điều đó thể hiện qua việc số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng gia tăng; công tác thu - quản lý quỹ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định…
Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có 18,259 triệu người tham gia BHXH, tương đương khoảng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 3,92% (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ-TW của BCH Trung ương); tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,3 triệu người tham gia, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng đã góp phần mở rộng hiệu quả lưới ASXH tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền ASXH của đất nước.
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Từ năm 1995 đến hết năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết khoảng hơn 144,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết gần 9,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN; hiện, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hơn 3,3 triệu người. Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến năm 2023, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 2.542,8 triệu lượt người.
Hướng đến chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
Với đặc thù hoạt động liên quan đến hầu hết người dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN), trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án 06… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN trong việc tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN.
Trong đó, TTHC về tham gia và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2009 xuống còn 25 TTHC), trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ… Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, đơn vị có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi.
Triển khai Đề án số 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam được ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu và vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Đến nay, có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT; phối hợp với Bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân tại 100% cơ sở KCB…
Trong năm 2023, ngành BHXH đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc…
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong chặng đường phát triển 29 năm qua, Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tổng quát là phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn. Đầu tư các quỹ BHXH thực hiện theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BBHXH Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; trên 95% dân số tham gia BHYT…
Đây là những mục tiêu, định hướng quan trọng cho sự phát triển của ngành BHXH trong giai đoạn tiếp theo, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.