Hậu Covid-19, ngành logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi xuất, nhập khẩu

(BKTO) - Ngày 30/11, Vietnam Report công bố nghiên cứu về thị trường ngành logistics Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19, đồng thời công bố Top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2022.

Trong đó, các công ty uy tín ngành logistics năm 2022 được công bố theo 04 danh sách: Top 10 Công ty uy tín ngành logistics nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics; Top 10 Công ty uy tín ngành logistics nhóm ngành Vận tải hàng hóa; Top 5 Công ty uy tín ngành logistics nhóm ngành Khai thác cảng và Top 5 Công ty uy tín ngành logistics nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.

t1.jpg
Nguồn: Vietnam Report, tháng 11/2022
t2.jpg
Nguồn: Vietnam Report, tháng 11/2022

Theo nhận định của các chuyên gia, thế giới đang dần chuyển sang một chu kỳ kinh tế mới. Trong giai đoạn giao thời với nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã có động thái tái định vị chuỗi cung ứng, hình thành xu hướng toàn cầu hóa kiểu mới hậu Covid-19. Đây là thách thức, cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt nói chung và ngành logistics nói riêng.

Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước cần phải thích ứng linh hoạt, liên tục đổi mới để nâng cao khả năng hiện diện, cho phép hoạt động kỹ thuật số, hỗ trợ khách hàng với các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời đảm bảo hoạt động hậu cần an toàn để đối phó với những thay đổi trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, thị trường logistics toàn cầu trên đà phục hồi, tình trạng tắc nghẽn cảng giảm thiểu sau khi các biện pháp phòng chống dịch dần được gỡ bỏ.

Là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình phục hồi các hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước, ngành logsitics đóng góp phần không nhỏ vào kết quả tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2022 ước đạt gần 673,82 tỷ USD (vượt con số 668,54 tỷ USD của cả năm 2021).

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng khối lượng vận tải hàng hóa của nước ta ước đạt 1.832,9 triệu tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó vận tải đường bộ đảm nhiệm 74%, đường thủy nội địa với 20,3%, và vận tải đường biển tuy chỉ chiếm 5,4% nhưng vẫn cao hơn hẳn tỷ trọng của vận tải đường sắt (0,3%) và hàng không (0,01%).

Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều rất tích cực. Có tới 68,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tháng 10-11/2022 cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đến 26,3% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, có 64,7% số doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch (con số này là 35,3% vào thời điểm cách đây một năm).

Cùng chuyên mục
Hậu Covid-19, ngành logistics đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi xuất, nhập khẩu