Hệ lụy gì khi Trung Quốc giảm phát?

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 23/08/2023 09:13

(BKTO) - Đi ngược với xu thế chung của thế giới, hàng hóa ở Trung Quốc đang giảm giá. Nếu Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Anh đang phải vật lộn với lạm phát, thì Trung Quốc lại đang bắt đầu rơi vào tình trạng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 0,3% trong tháng 7/2023 và theo một công trình nghiên cứu, CPI sẽ giảm 0,4% trong cả năm nay.

5df4ce6b-6cd6-464a-b677-6fdf205da8dc.jpeg
Một cảng biển tại Trung Quốc. Ảnh: ST

Thực ra, nếu giá cả hàng hóa giảm do năng suất lao động tăng, thì đó không phải là một vấn đề, mà còn là một tin vui. Rất tiếc, có vẻ như việc giảm phát của Trung Quốc lần này không phải là một trường hợp như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân của giảm phát là tình trạng thị trường bất động sản bị đóng băng; nợ xấu gia tăng; dư cung và việc người dân cắt giảm tiêu dùng.

Liên quan đến việc người dân cắt giảm tiêu dùng, nghịch lý nằm ở chỗ khi hàng hóa tăng giá, thì người người đổ xô đi mua, vì sợ giá sẽ còn tăng nữa; khi hàng hóa giảm giá, thì người người đều đứng đợi, vì hy vọng giá sẽ còn giảm nữa. Một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu nói đến việc Trung Quốc sẽ lặp lại vết xe đổ của Nhật Bản, khi bong bóng bất động sản vỡ gây ra những bất ổn vĩ mô làm cho nền kinh tế bị trì trệ kéo dài hàng chục năm trời.

Chắc chắn các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có những phản ứng chính sách mạnh mẽ để khắc phục tình trạng giảm phát và thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, đó sẽ là những phản ứng chính sách gì và hiệu quả của chúng sẽ ra sao, thì chúng ta còn phải chờ xem rồi mới thấy.

Điều quan trọng lúc này là cần sớm nhận biết Trung Quốc giảm phát thì nước ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, và để giảm thiểu rủi ro thì chúng ta cần phải làm gì.

Trước hết, Trung Quốc giảm phát chắc chắn sẽ tác động vô cùng to lớn đến nền kinh tế nước ta. Thế nhưng những tác động này là tiêu cực hay tích cực và tiêu cực hay tích cực đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào những phản ứng chính sách của chúng ta.

Tác động đầu tiên dễ thấy nhất là việc hàng hóa của Trung Quốc dễ dàng xâm nhập vào nước ta hơn. Hàng hóa của Trung Quốc đang rẻ hơn thì dĩ nhiên sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc trong năm 2022 là 60,2 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại của năm 2023 và những năm tiếp theo nếu kinh tế của Trung Quốc còn tiếp tục giảm phát thì chắc chắn sẽ còn cao hơn.

Thâm hụt thương mại sẽ còn có thể tăng lên do xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn. Khi người dân Trung Quốc cắt giảm tiêu dùng, thì thị trường Trung Quốc cho hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp. Rủi ro kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc sẽ bị giảm sút là rất lớn. Nhập khẩu tăng trong lúc xuất khẩu giảm càng làm cho thâm hụt thương mại tăng lên.

Nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng, mà xuất khẩu lại giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất trong nước. Hệ lụy tiếp theo là sản xuất giảm, thì công ăn việc làm cũng sẽ giảm. Thất nghiệp sẽ trở thành một vấn đề rất lớn của nước ta.

Việc người dân Trung Quốc cắt giảm tiêu dùng còn tác động tiêu cực đến ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách đến lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách, chiếm 1/3 tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong năm 2023, tổng lượng khách đến từ Trung Quốc ước chỉ đạt khoảng 20% con số nói trên, đứng sau cả Hàn Quốc. Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc sẽ rất khó tăng lên nếu giảm phát còn tiếp tục kéo dài.

Những tác động tiêu cực khác có thể là đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ suy giảm; chuỗi cung ứng, đặc biệt là cung ứng nguyên vật liệu từ Trung Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể bị đứt gãy; những biến động của thị trường hàng hóa và tài chính thế giới bắt buộc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách của mình…

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc giảm phát không phải là không tạo ra cơ hội. Nhiều doanh nghiệp của nước ta nhập khẩu nguyên, vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất, giảm phát chắc chắn sẽ giúp cắt giảm chi phí. Năng lực dư thừa của Trung Quốc, đặc biệt năng lực xây dựng đường sắt cao tốc, có khi cũng là một cơ hội cần được xem xét.
Chắc chắn chúng ta cần theo dõi thêm tình hình giảm phát và những phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trước khi xác định cách hành xử của mình. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất - nhập khẩu; tăng cường năng lực sản xuất và khai thác thị trường trong nước; khuyến khích đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; tăng cường hỗ trợ ngành du lịch và dịch vụ; mở rộng và đa dạng hóa các chương trình hợp tác quốc tế… là những phản ứng chính sách luôn cần thiết trong ngắn hạn, cũng như về dài hạn./.

Cùng chuyên mục
Hệ lụy gì khi Trung Quốc giảm phát?