Hội thảo có sự tham dự của GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và gần 500 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện gia đình thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ, các cán bộ lão thành; các nhà khoa học, chuyên gia về lịch sử và quan hệ quốc tế đến từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học...
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một diễn đàn đa phương, đàm phán trực tiếp với các nước lớn nhưng ngoại giao Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, việc đúc kết các bài học lịch sử từ quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần phục vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp luận cho đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cũng như xây dựng, hoàn thiện và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong các giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh những bài học quý báu từ Hiệp định Giơ-ne-vơ đã phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật, sự trưởng thành và đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định Hiệp định Giơ-ne-vơ là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo phân tích, làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định này đối với tiến trình cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phát huy giá trị, các bài học của Hiệp định Giơ-ne-vơ, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại phiên trao đổi về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ, các đại biểu đánh giá Hiệp định Giơ-ne-vơ có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam, ba nước Đông Dương và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới; là thành quả của 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đầy gian khổ mà anh dũng của quân và dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện này cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao cách mạng non trẻ Việt Nam; chính thức khôi phục hòa bình ở Đông Dương; công nhận nền độc lập và các quyền dân tộc cơ bản như chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đặc biệt, là nước thuộc địa đầu tiên ở Đông Nam Á đánh bại chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho nhân dân, cuộc đấu tranh thắng lợi của Việt Nam còn là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với nhiều nước thuộc địa Á, Phi, Mỹ La-tinh trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Trong phiên thảo luận về việc vận dụng những bài học của Hiệp định Giơ-ne-vơ trong hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các đại biểu đã nêu bật nhiều bài học quý báu rút ra từ quá trình đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ đối với việc hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp hiện nay.
Trước hết, đó là bài học về giữ vững độc lập, tự chủ để tránh được những thỏa hiệp bất lợi cho ta; phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, dĩ bất biến ứng vạn biến; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tranh thủ, vận động sự đồng tình, ủng hộ từ phong trào yêu chuộng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao tiềm lực và sức mạnh nội sinh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp nhịp nhàng các lĩnh vực đối ngoại, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao và quân sự nhằm tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại nhất là về kỹ năng đàm phán và ứng xử trong các tình huống quốc tế; bồi dưỡng cho thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam lòng yêu nước nồng nàn, niềm tin sắt son vào lý tưởng của Đảng, tinh thần xung kích, dấn thân và không ngại gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc…/.