Sẽ có những hỗ trợ thiết thực dành cho DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Đó là những nội dung được quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Dự thảo Thông tư, các DN đáp ứng tiêu chí sẽ được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại DN về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Trong đó, DN có thể được hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về kinh doanh bền vững; miễn phí đào tạo trực tuyến về kinh doanh bền vững thông qua việc truy cập và tham gia các bài giảng trực tuyến, các khóa đào tạo trực tuyến… Cùng với đó, DN kinh doanh bền vững được hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại DN nhưng không quá 01 khoá/năm/DN.
Đối với các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững, DN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu trong nước về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thương mại điện tử; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/DN/năm.
Đối với các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài, DN cũng được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 50 triệu đồng/học viên/năm và không quá 02 học viên/DN/năm.
Dự thảo Thông tư cũng quy định hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho học viên của DN khi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu phát triển bền vững của DN (không quá 10 triệu đồng/học viên/năm và không quá 03 học viên/DN/năm) và chi phí tổ chức khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu tại DN (không quá 50 triệu đồng/khoá/năm/DN).
Liên quan đến công nghệ, DN sẽ được hỗ trợ tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với DN; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số.
Trong đó, DN sẽ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của DN (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN); 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng bản mô tả sáng chế, bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bản thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu (không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN).
DN cũng được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN…
Dự thảo Thông tư còn quy định hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, môi trường; hỗ trợ 50% chi phí đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ bền vững; chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; chi phí thử nghiệm sản phẩm bền vững mới…/.
QUỲNH ANH