Nhiều địa phương đã triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động tự do |
Chủ động nguồn lực hỗ trợ lao động tự do
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có Công điện gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định 23) một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
Đồng thời, các tỉnh, thành cần xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 23 phù hợp với điều kiện của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Theo Nghị quyết 68, mức hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác được hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ vào thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. |
Đối với việc hỗ trợ lao động tự do, đến nay, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều địa phương đã ưu tiên thực hiện chi trả hỗ trợ bằng nguồn kinh phí riêng, không lấy từ gói 26.000 tỷ đồng.
Điển hình như tại tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, lao động tự do, bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Thời điểm mất việc làm có thu nhập thấp hơn 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; cư trú hợp pháp tại địa phương có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có giấy xác nhận đăng ký tạm trú, lưu trú của cơ quan công an cấp xã; làm công việc thường xuyên mang lại thu nhập chính để nuôi sống bản thân, gia đình.
Dự kiến, Hậu Giang sẽ dành tổng kinh phí 30 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20.000 người và sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế của diễn biến dịch COVID-19. Nguồn kinh phí thực hiện do NSNN đảm bảo và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Riêng kinh phí hỗ trợ đối tượng là người bán lẻ vé số lưu động được chi từ nguồn kinh phí hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Hậu Giang.
Tương tự, tại Bình Định, báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, tỉnh đã chi trả cho gần 2.000 lao động tự do với tổng kinh phí gần 2,92 tỷ đồng trong ngày 18/7. Theo kế hoạch dự kiến, tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ gần 29.000 người lao động tự do với tổng kinh phí khoảng 43 tỷ đồng.
Đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các chính sách hỗ trợ
Cùng với chính sách hỗ trợ lao động tự do, các thủ tục hướng dẫn cho vay vốn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thiện. Hiện Ngân hàng đã nhận được yêu cầu vay của 3 nhóm đối tượng với khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách giảm đóng 0% Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp cho người lao động đã được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam hoàn tất.
Hiện tại, nhiều địa phương đã vào cuộc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và Quyết định này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục đốc thúc các địa phương đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các chính sách hỗ trợ.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Hiện nay, tình hình COVID-19 ở các tỉnh phía Nam vẫn chưa hết phức tạp. Để kịp thời triển khai chính sách cũng như đôn đốc, giám sát việc triển khai, Bộ LĐ-TB&XH đã thành thành lập "Tổ công tác đặc biệt phòng chống Covid-19" cho khu vực phía Nam. Mục đích là nhằm giải quyết quan hệ lao động tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo quyền lợi người lao động, tránh trục lợi và hạn chế tình trạng tranh chấp tiền lương phát sinh; tham gia hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân./.