Việc thiết kế, triển khai các chính sách hỗ trợ DN và người lao động phải đảm bảo phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất |
Doanh nghiệp và người lao động lao đao bởi Covid-19
Đánh giá về bức tranh thị trường lao động, báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ 2020. Trong quý I/2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ 2020.
Đáng nói là bước vào tháng 5 và tháng 6, tình hình thị trường lao động đã bị ảnh hưởng đáng kể khi mà dịch Covid-19 lan ra và ảnh hưởng trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Đây là 2 tỉnh có đông người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bắc Giang đã phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 DN và tổng số gần 150 nghìn lao động tạm ngừng việc. Bắc Ninh có 42 nghìn lao động trên tổng số 320 nghìn lao động phải ngừng việc.
Còn TP. Hải Phòng có hơn 30 nghìn lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để hỗ trợ DN cũng như NLĐ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, cần nêu rõ các nội dung xin ý kiến và lý do xin ý kiến, gồm: các đối tượng được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ, tổng mức hỗ trợ.
Cần sự chủ động, linh hoạt từ địa phương
Việc thiết kế các chính sách hỗ trợ được xem là giải pháp cần thiết hiện nay để giúp DN cũng như NLĐ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cách thức triển khai chính sách để đạt hiệu quả không hề đơn giản. Bởi trước đó, trong năm 2020, nhiều chính sách được xây dựng, thực thi nhưng hiệu quả đem lại chưa được như kỳ vọng.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến ngày 27/5, thông qua các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.
Theo dự kiến, nguồn kinh phí khi đề xuất gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 61.580 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53% so với kế hoạch.
Lý giải về nguyên nhân kết quả thực hiện chưa cao như dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại thời điểm nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối lớn và thời gian hỗ trợ tương đối dài (dự kiến 3 tháng 4, 5, 6/2020).
Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2020, việc giãn cách xã hội sớm kết thúc trong tháng 4; Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 5; hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại nên hầu hết các nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4.
Từ thực tế trên, theo Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi gặp khó khăn, càng phải chú ý an sinh xã hội, từng bước hình thành một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, hiện đại, chủ động ứng phó với những diễn biến, tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh… đến lao động, việc làm.
Đối với việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh phải căn cứ tình hình thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, trong đó, chính sách của Trung ương mang tính khung, định hướng trên cơ sở đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để có những giải pháp, chính sách phù hợp, đảm bảo hiệu quả cao nhất, hướng dẫn, phân công tổ chức triển khai thực hiện cụ thể, linh hoạt./.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết:“Điều quan trọng là tập trung duy trì việc làm bằng cách hướng sự hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Chẳng hạn, việc đổi ca hằng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội. Đây là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Điều này cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm”. |
LÊ BẢO