Theo Hội LHPN Việt Nam, nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của tín dụng chính sách, Hội LHPN Việt Nam luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực trong hành trình cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mang đồng vốn chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm của lãnh đạo Hội phụ nữ các cấp tham gia là thành viên Hội đồng quản trị, Ban đại diện cũng được đẩy mạnh qua các đề xuất chính sách tới Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tham mưu Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Đặc biệt, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hoạt động tín dụng chính sách trong hệ thống Hội được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều nguồn lực trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, của Hội.
Nhiều năm liên tục, Hội LHPN Việt Nam luôn được đánh giá là tổ chức có kết quả tốt trong hoạt động ủy thác ở cấp toàn quốc cũng như nhiều tỉnh, thành, địa phương trên cả nước.
Tính đến ngày 30/4/2024, Hội nhận ủy thác hơn 130 nghìn tỷ đồng, cho hơn 2,5 triệu hộ vay vốn, với tổng số tiền tiết kiệm lên tới hơn 7 ngàn tỷ đồng; số địa bàn xã trắng chỉ là 161/5.128 xã trắng của toàn quốc.
Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự triển khai sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ Hội các cấp; sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và NHCSXH.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu thành công Chính phủ ban hành 2 Đề án có tính chiến lược: Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01).
Từ Đề án của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án tại các địa phương, tạo cơ hội thuận tiện cho việc bố trí, cơ cấu nguồn vốn chính sách và tạo tiền đề cho việc lồng ghép tín dụng chính sách với các nguồn lực khác để hỗ trợ hộ vay vốn (63/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Kế hoạch thực hiện Đề án 939 và 62/63 tỉnh có Kế hoạch thực hiện Đề án 01).
Tính sơ bộ trong 5 năm (2018 - 2023), từ các nguồn lực của Đề án 939, hơn 13,6 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua 197.140 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng, các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất…/.