Hoàn thiện chính sách để hợp tác xã phát triển

(BKTO) - Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đang được các cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Đặc biệt, trong bối cảnh quy định về hợp tác xã (HTX) đang được sửa đổi, hoàn thiện, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, các chính sách dành cho HTX cần được thể hiện rõ, dựa trên đặc thù của mô hình, tránh hình thức dẫn đến khó triển khai.

14.jpg
Cần có chính sách thông thoáng thúc đẩy HTX phát triển. Ảnh minh họa

Gỡ rào cản thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, quyết tâm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế HTX một lần nữa được đặt ra ở cấp cao nhất, với việc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Để hiện thực hóa chủ trương này, theo bà Thu Vân, Nhà nước cần từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX một cách đồng bộ và thông suốt.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu rõ, Luật HTX (sửa đổi) đã giúp thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển HTX ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Luật tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để kinh tế HTX phát triển, đồng thời tiệm cận với xu thế phát triển HTX của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Luật HTX (sửa đổi) không giới hạn về đối tượng được xem xét thụ hưởng chính sách mà chỉ đặt ra những yêu cầu cơ bản cần đáp ứng để phản ánh đúng bản chất, mục đích phát triển đối với khu vực kinh tế tập thể; quy định cụ thể về chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường cho phát triển HTX; đặc biệt là đặt ra vấn đề tháo gỡ chính sách tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho HTX...

Với 2/3 tổng số HTX hoạt động trong khu vực nông nghiệp, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật HTX cần xác định rõ cơ chế gắn với đặc thù của mô hình, từ đó tạo động lực để thúc đẩy khu vực HTX nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh, những chính sách này được kỳ vọng sẽ định hình diện mạo phát triển của mô hình HTX trong thời gian tới với những đột phá mới. “Trong đó, Luật HTX (sửa đổi) đã thể chế hóa các chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW một cách đầy đủ, khoa học” - ông Thịnh đánh giá và cho rằng, điều quan trọng tiếp theo là cần sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, sự năng động phát huy nguồn lực của các tổ chức HTX để đưa quy định vào thực tiễn.

Quy định cần cụ thể, phản ánh đặc thù của mô hình

Trên cơ sở khung quy định của Luật HTX (sửa đổi) về những chính sách hỗ trợ phát triển HTX, các ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng cụ thể hóa các điều luật, cũng như đảm bảo chính sách hỗ trợ phải phù hợp với mô hình, có tính khả thi trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đánh giá: Luật HTX (sửa đổi) có cách tiếp cận rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn để giúp cho các HTX có thể tiếp cận được các nguồn lực từ công tác liên quan đến quản trị, điều hành HTX. Tuy nhiên, với tính chất là khung pháp lý, quy định chung nên để đưa Luật vào cuộc sống cần thêm hướng dẫn cụ thể, chi tiết ở các bước tiếp theo. "Việc này cần thực hiện càng sớm càng tốt và phải phản ánh được đúng mong muốn của tổ chức HTX dựa trên định hướng phát triển chung" - bà Lan cho biết.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc hướng dẫn thực hiện Luật cần phải bám sát tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy phát triển HTX, trong đó cần đặc biệt chú ý đến đặc thù của mô hình HTX hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng HTX tăng mạnh trong năm 2022 với 2.036 HTX, tăng trên 7,4% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, trong đó có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, với 2/3 tổng số HTX hoạt động trong khu vực nông nghiệp, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật HTX cần xác định rõ cơ chế gắn với đặc thù của mô hình, từ đó tạo động lực để thúc đẩy khu vực HTX nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Vấn đề này cũng được nhiều HTX quan tâm và mong muốn cơ quan chức năng có chính sách cụ thể, tránh tình trạng quy định ban hành tạo ra nhiều cách hiểu, dẫn đến cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm túc. Nhiều HTX cũng cho rằng, vấn đề quan trọng để thúc đẩy HTX phát triển là có chính sách hỗ trợ về đất đai. “HTX đang chuyển đổi sang mô hình chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến. Muốn vậy cần phải có nhà máy, mà việc chuyển đổi đất trồng cây sang phi nông nghiệp với loại hình này hiện còn rất phức tạp” - đại diện một HTX tại tỉnh Sơn La cho biết.

PGS,TS. Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội - cũng đề nghị, trong hướng dẫn thi hành Luật HTX (sửa đổi) phải cập nhật các chính sách mới, thậm chí là chưa được thể hiện trong Luật nhưng phù hợp với thực tiễn, xu thế để HTX phát triển. “Nói cách khác, chính sách cho HTX phải phù hợp với đặc thù mô hình, tránh hình thức” - ông Hòa cho biết.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội dẫn chứng về chính sách tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng thương mại thời gian qua, nhưng do đặc thù mô hình HTX không có tài sản đảm bảo, dẫn đến HTX không thể vay được vốn. "Dù không thể hiện được cụ thể, tường tận chính sách này trong văn bản hướng dẫn Luật, nhưng cơ quan xây dựng văn bản cần lưu ý khi xây dựng quy định để tạo hướng mở cho việc thiết kế chính sách tín dụng cho HTX sau này" - PGS,TS. Hòa lưu ý./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện chính sách để hợp tác xã phát triển