Công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực

(BKTO) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2023, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

tc21(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mới

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều biện pháp đã phát huy hiệu quả; kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm; chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức - Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỷ đồng, (trong đó: các khoản tăng thu: 4.515,3 tỷ đồng; các giảm chi NSNN: 25.185,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác: 35.559,1 tỷ đồng); đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 252 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý. KTNN đã cung cấp 373 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Theo đó, năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 9.382 cuộc thanh tra hành chính và 211.545 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng, 1.031 ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỷ đồng, 483 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỷ đồng, 548 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.

Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2023, công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

ba-nga21.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH

Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được chú trọng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, công tác thanh tra còn hạn chế; việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ; một số cuộc thanh tra chưa làm rõ được hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; còn có trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra..., gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ cho rằng tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước...

Đồng thời, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền...

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục; tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN.

Từ thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực