Hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên

(BKTO) - Ngày 26/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Tọa đàm chuyên gia về việc làm đối với thanh niên.

260720230507-cvcbvcb-1690360269833.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu chính trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở mức cao, có thời điểm cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Đồng thời, đã xuất hiện làn sóng sa thải người lao động ở một số ngành; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống của người lao động sau này.

Dự báo thời gian tới, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, số thanh niên bị thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao.

Để kịp thời nắm bắt thực trạng này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thực hiện khảo sát chuyên đề về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020 (sau dịch Covid-19) đến tháng 5/2023.

Nhằm hoàn thiện Báo cáo khảo sát, Thường trực Ủy ban tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các đại biểu có kinh nghiệm trong các cơ quan của Quốc hội, các đơn vị chức năng của Bộ, ngành có liên quan.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng việc làm của thanh niên hiện nay; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên và việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ năm 2020 đến nay; đề xuất, kiến nghị nội dung, giải pháp giải quyết việc làm đối với thanh niên; hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên; đồng thời, góp ý kiến trực tiếp cho các nội dung Dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát về việc làm đối với thanh niên.

Các đại biểu cho rằng, trước tác động của trí tuệ nhân tạo, vấn đề việc làm hiện nay rất khác so với trước đây, đó là tình trạng sa thải hàng loạt lao động, lao động sẽ bị thay thế bởi robot, trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho lực lượng lao động thanh niên, đào tạo nguồn lao động trẻ để đón bắt xu thế này.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất sửa đổi Luật Việc làm, trong đó có quy định về nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho thanh niên; bổ sung nhiều nguồn quỹ, nguồn ủy thác khác... cho khởi nghiệp; xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với những người không có bảo hiểm xã hội...

Có ý kiến cho rằng, nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hơn là hỗ trợ cá nhân người lao động. Bởi chỉ có hỗ trợ doanh nghiệp thì mới tạo việc làm bền vững cho người lao động. Bên cạnh đó, cần có giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho doanh nghiệp, đặc biệt tháo gỡ các thủ tục hành chính, giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra...

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết và kinh nghiệm thực tiễn của các đại biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các kiến nghị, đề xuất sẽ được gửi đến các cơ quan chức năng và Ủy ban sẽ tiến hành giám sát những nội dung này thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên