Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội, song cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã chủ động triển khai các quy trình theo quy định.
Cụ thể, UBND Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách quan trọng, theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông...
Tại phiên họp tháng 02/2023, Chính phủ đánh giá cao và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong đề nghị xây dựng dự thảo luật. Đồng thời, thống nhất sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù của Thủ đô.
Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy trình 2 kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 - tháng 10/2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024), UBND Thành phố đã và đang làm việc với các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách trong dự thảoLuật, thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng thời, triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành Thành phố nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến hoàn thiện cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)./.