Hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi

(BKTO) - Phát triển điện gió ngoài khơi đã được Việt Nam xác định là giải pháp có tính đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hiện khung khổ pháp lý cho việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này vẫn chưa thực sự đầy đủ. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn và hiện nay đang phát triển mạnh trên thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), năm 2021, trên toàn thế giới có khoảng 56 GW công suất tích lũy điện gió ngoài khơi được lắp đặt và 21,1 GW công suất điện gió ngoài khơi được đưa vào vận hành, cao gấp 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ tăng trưởng kép về công suất lắp đặt mới điện gió ngoài khơi giai đoạn 2012-2021 đạt khoảng 36%.

20230316_121356.jpg
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức vào ngày 16/3. Ảnh: D.THIỆN

Đặc biệt, điện gió ngoài khơi được đánh giá có nhiều khả năng trở thành nguồn điện phụ tải nền mới và thay thế năng lượng hóa thạch hiệu quả nhất khi chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn 2010-2021.

Đối với Việt Nam, theo ông Hiển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp  năng lượng điện gió. Thể hiện là, hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m. Đặc biệt, khoảng 8% diện tích lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.

Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí, hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới.

Về kết quả phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi, ông Hiển cho biết, đến cuối năm 2021, tổng công suất đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đạt khoảng 154 GW. Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ, gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi; đến năm 2045, công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.

“Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam” - ông Hiển nhấn mạnh.

Từ góc nhìn quốc tế, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của việc thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

“Điện gió ngoài khơi là “cơ hội kép” tuyệt vời cho Việt Nam, bởi đây vừa là cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước; đồng thời vừa hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” - ông Nicolai Prytz nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ Đan Mạch, vào năm 1991, Đan Mạch là quốc gia vận hành trang trại năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Đến nay, Đan Mạch đã trở thành quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi. Đồng thời, Đan Mạch cũng đang đi đầu trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để biến điện gió ngoài khơi thành một trong những loại năng lượng tái tạo cạnh tranh nhất.

“Với những kinh nghiệm, thành tựu trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng điện gió, thông qua việc tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển và mở rộng ngành điện gió ngoài khơi” - ông Nicolai Prytz nói.

Cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý

Mặc dù việc phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam được đánh giá có những cơ hội lớn, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, ngành công nghiệp này đã và đang phải đối diện với không ít bài toán lớn cần giải quyết.

Cụ thể, đây là ngành công nghiệp có tính chất rất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; đồng thời cần có nguồn vốn lớn và dài hạn.

Bên cạnh đó, việc phát triển ngành này cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải làm rõ như về quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện; các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng…

Đặc biệt, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, qua theo dõi công tác triển khai Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho thấy, việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đột phá cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi nêu tại Nghị quyết được các cấp có thẩm quyền triển khai còn chậm, kết quả còn hạn chế.

Đơn cử như, Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa được ban hành; việc giao vùng biển để thực hiện công tác khảo sát, phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi chưa được quy định đầy đủ, cụ thể tại các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, các quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư hiện nay chưa điều chỉnh được đối với các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá cho các dự án điện gió ngoài khơi cho đến nay chuẩn bị còn rất chậm, thiếu các chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng. Việc xây dựng khung giá cho điện gió ngoài khơi cũng đang gặp khó khăn và bất cập do còn thiếu cơ sở để xác định tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông số tính toán; còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho điện gió ngoài khơi...

Từ thực tế đó, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz đưa khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi một cách đầy đủ, rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam nên bắt đầu bằng việc sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và cấp quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo ông Henrik Scheinemann - Đồng Giám đốc điều hành Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (Đan Mạch), Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển ngành công nghiệp năng lượng điện gió ngoài khơi và đạt được nhiều thành tựu, để lựa chọn một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và điều kiện, trình độ phát triển của đất nước.

Ngoài ra, theo chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, một trong những khuyến nghị chính đối với Việt Nam được nhấn mạnh trong Báo cáo “Lộ trình Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện, đó là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này. Cũng theo Báo cáo, hiện tại được đánh giá là thời điểm chín muồi để Chính phủ Việt Nam có các hành động mạnh mẽ nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đã đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi