Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 với nhiều điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, theo hướng có lợi cho người tham gia, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng và nâng cao mức chi trả để đảm bảo cho người lao động tăng thêm thu nhập trong thời gian không làm việc. Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật thời gian qua cho thấy, các quy định này đang bị nhiều tổ chức, cá nhân lạm dụng để trục lợi, gây thất thoát nguồn Quỹ.




Để ngăn chặn tình trạng trục lợi Quỹ, cơ quan BHXH các địa phương đã tăng cường công tác hậu kiểm việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Muôn kiểu trục lợi Quỹ

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật BHXH giai đoạn 2016-2019 của các địa phương đánh giá, Luật BHXH 2014 với các quy định mới về thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; mức hưởng trợ cấp ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; chế độ thai sản đối với lao động nam, chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ...; quy trình, hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng các chế độ cũng được đơn giản hóa, đã mở rộng quyền lợi, tạo thuận lợi cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe ở một số đơn vị sử dụng lao động, người chủ sử dụng lao động vẫn chưa hiểu hết được chế độ BHXH, dẫn đến việc thanh quyết toán với cơ quan BHXH chưa đúng. Có những đơn vị, khi người lao động nữ sinh con, nghỉ hưởng chế độ thai sản xong thì chủ sử dụng lao động làm mới đề nghị nghỉ hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho họ, mặc dù người lao động đã đi làm. Có trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con, đơn vị thanh toán với cơ quan BHXH cho lao động nam đó được nghỉ từ 5 đến 7 ngày nhưng thực tế người lao động không nghỉ việc trong những ngày đó. Bên cạnh đó, có tình trạng một số đơn vị sản xuất kinh doanh có số lượng lao động lớn, để bù vào khoản thu nhập trong những khoảng thời gian người lao động không có việc làm, người lao động đi khám bệnh để thanh toán hưởng chế độ ốm đau không đúng quy định…

Tại tỉnh Phú Thọ, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng, thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, số người đề nghị hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh, nam nghỉ việc khi vợ sinh con có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, có hiện tượng một số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) cấp chứng từ nghỉ ốm cho người lao động không theo quy định (không có hồ sơ KCB, không có tên trên Phần mềm thông tuyến giám định bảo hiểm y tế…). Tại tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng phát hiện việc người lao động làm giả hoặc mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, Giấy ra viện, Giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hay móc nối với cơ sở KCB để được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, Giấy khám thai không đúng quy định. Bên cạnh đó, có tình trạng đối tượng làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ, lao động là phụ nữ có thai để đăng ký đóng BHXH vừa đủ 6 tháng theo quy định (thực tế họ không làm việc), lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản nhằm chiếm đoạt tiền BHXH. Cùng với đó, tình trạng người lao động không đi làm, gửi đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để thanh toán tiền thai sản, một số người lao động có thời gian đề nghị giải quyết chế độ ốm đau trùng với thời gian đi làm có hưởng lương… diễn ra tại nhiều địa phương.

Hoàn thiện pháp luật, tăng cường hậu kiểm để ngăn chặn

Theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống chính sách còn thiếu thống nhất, đồng bộ. Trong khi đó, một số cơ sở KCB chưa thực hiện đúng quy định trong việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động, đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Một số người sử dụng lao động chủ động, đồng tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm trục lợi Quỹ BHXH, đặc biệt là Quỹ Ốm đau, thai sản, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi Quỹ, cơ quan BHXH các địa phương đã tăng cường công tác hậu kiểm việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Đặc biệt, từ tháng 6/2019, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn về việc đưa toàn bộ thông tin cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại các cơ sở KCB lên Cổng thông tin giám định BHYT nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán, cấp khống chứng từ giải quyết hưởng chế độ.

Từ thực tế trên, cơ quan BHXH các địa phương đề nghị, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở KCB tiếp tục chuyển toàn bộ dữ liệu về KCB, các loại giấy tờ có liên quan đến việc giải quyết chế độ cho người lao động trên Hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam, tạo cơ sở giải quyết chế độ đúng quy định, phát hiện được các hành vi trục lợi, lạm dụng Quỹ, giả mạo giấy tờ. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng phối hợp, điều chỉnh và có quy định mới về các biện pháp chế tài xử lý trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN theo hướng tăng mức xử phạt nhằm răn đe các trường hợp cố tình vi phạm. Một số ý kiến đề nghị cần sửa đổi chính sách BHXH theo hướng hài hoà hơn trong quan hệ đóng - hưởng để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng này, như sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo hướng đóng đủ 12 tháng trước khi sinh con để hạn chế tình trạng lách luật, lạm dụng Quỹ BHXH. Đồng thời, Bộ Y tế cần ban hành quy trình cấp và sử dụng Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với các cơ sở y tế.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội