Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

(BKTO) - Thực hiện chuyển đổi xanh các ngành công nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nền kinh tế và toàn xã hội. Do đó, cần tiếp tục gia tăng cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi xanh các ngành công nghiệp một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh ngành công nghiệp” mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, hiện nay, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu.

dd.png
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn do Báo Xây dựng phối hợp với một số đơn vị của tỉnh Bắc Ninh tổ chức chiều 24/5, tại Bắc Ninh. Ảnh: Báo Xây dựng

Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để đất nước tái cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng xanh, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chính phủ đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm trong việc thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó xác định cụ thể các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình để đạt phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

“Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói, đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành xây dựng. Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản, để cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đặt ra mục tiêu, đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. 

Trong bối cảnh đó, để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển tăng trưởng xanh cả trong trung hạn và dài hạn. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng xây dựng chính sách, công cụ để huy động nguồn vốn cho phát triển xanh và bền vững bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho trái phiếu xanh, bảo hiểm xanh, tín dụng xanh, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tăng cường chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo…

z5471738565437_3cf93949a5b0796e667f7e2756d78dac.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu. Ảnh: Báo Xây dựng

Về phía địa phương, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã định hướng phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, trong quá trình phát triển, địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định. Đơn cử như, theo kết quả bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trong năm 2023, Bắc Ninh đã đứng vị trí thứ 3 trong các địa phương trên cả nước…

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: vẫn còn tình trạng ô nhiễm công nghiệp làng nghề, việc chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế…

“Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp cũng như học hỏi kinh nghiệm của các địa phương để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi xanh, nhằm tạo sự phát triển nhanh, bền vững cho địa phương cũng như đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về phát triển xanh, tăng trưởng xanh của đất nước” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Được - Đại diện Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết, thực hiện chuyển đổi xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và thuận lợi hơn trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng với khách hàng…

“Với những lợi ích đó, hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển” - ông Được nhấn mạnh.

Đưa kiến nghị để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các vật liệu xây dựng xanh; cũng như tạo cơ chế phù hợp để người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu dễ dàng tiếp cận và đưa vào sử dụng rộng rãi các loại vật liệu xây dựng xanh trong quá trình xây dựng nhà ở, dự án công trình.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, định mức kinh tế kỹ thuật… liên quan đến vật liệu xây dựng xanh, để các doanh nghiệp dễ dàng áp dụng trong quá trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng xanh, nguồn vốn ưu đãi trong nước và quốc tế, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vật liệu xây dựng xanh và những lợi ích khi sử dụng vật liệu xây dựng xanh, để từ đó dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trong việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh…/.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành công nghiệp