Phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024

(BKTO) - Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ.

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

tc.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Một số chính sách không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

“Kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 2 năm 2022-2023 tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra cho giai đoạn 2021-2025” - ông Lê Quang Mạnh khẳng định.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022-2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm.

Bên cạnh đó, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.

ngoc.jpg

Việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao ngay trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội tăng cường trách nhiệm giám sát các Nghị quyết đã ban hành và đồng hành với Chính phủ đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Nghị quyết để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình)

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ.

Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dự án; đồng thời, đề xuất, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025, không để dự án dở dang, kém hiệu quả - Báo cáo giám sát nêu rõ.

Đoàn giám sát cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và đấu thầu, chỉ định thầu.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, chậm ban hành văn bản hướng dẫn

Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát và khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

tuan.jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đề cập đến nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) chỉ ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục.

Cùng với đó là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

“Đây là 2 nguyên nhân chính và là rào cản lớn nhất hiện nay dẫn đến tình trạng làm trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết số 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung” - đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Để Nghị quyết số 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị cần nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát. Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp cả nước đang bị “kiệt sức”.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để tạo cơ sở, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng nhận định, việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.

“Trong số 21 văn bản được thống kê trong phụ lục chỉ có duy nhất 01 văn bản được ban hành đúng thời hạn, còn lại 20 văn bản đều chậm và muộn. Trong số 20 văn bản chậm đó, tuy có 04 văn bản không có quy định thời hạn cụ thể nhưng cũng đều ban hành rất muộn. Nghị quyết số 43 có thời hạn 02 năm thì mất đúng 01 cho công tác ban hành văn bản. Nhiều văn bản chậm từ 2 tháng đến 7 tháng” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng và đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát việc kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong các tồn tại, hạn chế đã nêu.

huan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) thì đề nghị làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm. "Cần phân tích thêm nguyên nhân giải ngân chậm, vì từ khi tôi tham gia quốc hội đến giờ, hầu như kỳ họp nào cũng nêu tiến độ giải ngân chậm, nhưng phân tích vẫn hơi mang tính định tính” - đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Đại biểu dẫn ví dụ, với nguyên nhân nền kinh tế khó hấp thụ ảnh hưởng đến việc giải ngân các dự án nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Nguyên nhân thời gian ngắn quá, nền kinh tế không hấp thụ được, thì tại sao cũng có nơi hấp thụ được.

“Nếu làm rõ được nguyên nhân như vậy, thì nếu xác định nơi nào chậm hấp thụ thì sẽ đưa vào những vùng, dự án có thể hấp thụ được, như phần giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm, dự án quan trọng...” - đại biểu Huân kiến nghị và cho rằng, cách này sẽ đạt được mục tiêu bơm tiền vào nền kinh tế.

Cùng chuyên mục
Phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024