Hoàn thiện thể chế và kỳ vọng nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập

(BKTO) - Bộ Tài chính kỳ vọng, việc hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ KTĐL.

8.jpg
Cơ quan soạn thảo kỳ vọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTĐL phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Ảnh: ST

Khắc phục vướng mắc, đề xuất tăng mức xử phạt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật KTĐL có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đã tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc thực hiện công khai, minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN niêm yết nói riêng, phục vụ tốt hơn công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và hoạt động của DN. Vai trò và năng lực quản lý nhà nước về KTĐL từng bước được nâng cao; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về KTĐL được thực hiện phù hợp, hiệu quả...

Gần đây, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản mới liên quan đến lĩnh vực KTĐL cần được thể chế hóa. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã nêu rõ: “Thực hiện chế độ kiểm toán, kế toán, thống kê phù hợp với chuẩn mực quốc tế và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo phục vụ quản lý, điều hành”.

Không chỉ có vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế cũng đặt ra yêu cầu mới; việc thực hiện Luật KTĐL đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung ngay như: Các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa thật sự hiệu quả. Các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực, việc xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe. Quy trình xem xét, xử lý vi phạm của DN kiểm toán và kiểm toán viên vẫn còn hạn chế do các quy định pháp luật khác chưa đồng bộ...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ những lý do trên, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật KTĐL, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với KTĐL. Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về nâng cao chất lượng KTĐL, gồm quy định người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán. Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.

Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc “đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán”. Dự thảo Luật bổ sung DN, tổ chức có quy mô lớn phải được kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính, giúp cơ quan chức năng giám sát, quản lý, tránh hiện tượng DN trốn thuế. Cùng với đó, Dự thảo Luật đề xuất mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức (tăng 30 lần so với quy định hiện hành là 100 triệu đồng); 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL là 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay...

Qua những đề xuất này, cơ quan soạn thảo kỳ vọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTĐL phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các chế tài xử lý vi phạm đối với kiểm toán viên và DN kiểm toán...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật KTĐL; Luật Kế toán; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia (Luật sửa 7 luật). Dự kiến, ngày 29/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa 7 luật, trong đó có Luật KTĐL.

Cần làm rõ hơn cơ sở đề xuất tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần

Thẩm tra các nội dung nói trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) nhất trí đề xuất của Chính phủ về thẩm quyền đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, Dự thảo Luật chưa quy định rõ các trường hợp đình chỉ hành nghề kiểm toán cũng như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán làm cơ sở cho Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội dung này. UBTCNS đề nghị Ban soạn thảo rà soát để phân định rõ trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán và trường hợp đã đăng ký hành nghề nhưng không được tiếp tục hành nghề do vi phạm.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung các DN, tổ chức khác có quy mô lớn là cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTCNS Lê Quang Mạnh đề nghị cần đánh giá rất kỹ tác động và xác định các tiêu chí phù hợp, bảo đảm việc xác định DN, tổ chức khác có quy mô lớn gắn với điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc cần tương xứng với nguồn lực KTĐL, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về KTĐL và tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng tính răn đe đối với DN kiểm toán, kiểm toán viên. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tác động, bổ sung thông lệ quốc tế, làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần so với Luật hiện hành. Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn, đề nghị lưu ý có mức xử phạt hợp lý với các hành vi, vừa có tính kế thừa các quy định hiện hành, vừa tăng mức độ răn đe với các hành vi thực sự nghiêm trọng nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Từ góc độ hội nghề nghiệp, bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) - nhận định: Chất lượng dịch vụ kiểm toán vẫn cần được tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn. Do đó, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung quy định “Kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán”. Quy định này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia và mang lại hiệu quả trong việc phối hợp giữa tổ chức nghề nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước. Còn tại Việt Nam, kiểm toán viên đăng ký tham gia tổ chức nghề nghiệp theo tinh thần tự nguyện. Việc quy định “Kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán” không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức nghề nghiệp kiểm tra chất lượng dịch vụ do hội viên cung cấp, giúp kịp thời xử lý vi phạm và nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện thể chế và kỳ vọng nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập