Hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2019-2020: Kinh phí được giao thấp hơn nhu cầu nhưng thực tế vẫn phải hủy dự toán

(BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp nhu cầu kế hoạch, xây dựng dự toán, lập phương án phân bổ, giao dự toán chi quản lý, bảo trì đường bộ cho các đơn vị. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ chưa dự kiến đủ vốn theo nhu cầu cho công tác bảo dưỡng thường xuyên; việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; tham mưu giao dự toán chi chưa sát thực tế…

6.jpg
KTNN chỉ ra một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ. Ảnh: P. TUÂN

Kinh phí được giao chỉ đạt 44,2% nhu cầu

Tổng nhu cầu kinh phí, kế hoạch bảo trì đường bộ giai đoạn 2019-2020 mà Tổng cục Đường bộ đưa ra là 42.939 tỷ đồng, nhưng tổng kinh phí được xét duyệt quyết toán chỉ xấp xỉ 18.990 tỷ đồng, đạt 44,2% so với nhu cầu tính đủ theo định mức để bảo trì cho 154 tuyến quốc lộ với chiều dài 22.909km cùng hệ thống cầu, phà, hầm trên quốc lộ. Kết quả đã thực hiện sửa chữa 143 công trình; xử lý 1.587 cầu yếu; hơn 900 điểm đen, điểm mất an toàn giao thông; bổ sung, thay thế hơn 32.500 biển báo; sửa chữa 84 triệu m2 mặt đường; gia cố lề, mở rộng trên 1.000km mặt đường; sửa chữa, cải tạo nhiều cống, rãnh; xây dựng các trụ chống va trôi cho trụ cầu trên các tuyến sông…

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, về cơ bản nội dung kế hoạch, dự toán giao được căn cứ theo nhu cầu, phù hợp với thực tiễn công tác bảo trì. Tuy nhiên, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm. Cụ thể, năm 2019 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh 6 lần; năm 2020 điều chỉnh 3 lần do có vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tài sản từ địa phương về trung ương đối với các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT quyết định nâng lên từ đường tỉnh. Tại Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) II, năm 2019 phải điều chỉnh 5 lần, năm 2020 điều chỉnh 3 lần. Nguyên nhân do đặc thù của công tác bảo trì đường bộ là công việc thường xuyên, liên tục phát sinh hư hỏng các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dẫn tới phải cập nhật, bổ sung kế hoạch bảo trì. Còn tại Ban Quản lý dự án 4, năm 2019 phải điều chỉnh 2 lần và năm 2020 điều chỉnh 6 lần…

Bên cạnh đó, KTNN chỉ ra tình trạng thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật của một số dự án, công trình còn chậm so với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 17 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT. Nguyên nhân là do đến ngày 02/10/2018, Bộ GTVT mới có văn bản chấp thuận danh mục công trình chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì năm 2019. Bộ cũng chưa ưu tiên giao đủ kế hoạch cho nội dung bảo dưỡng thường xuyên theo nhu cầu, năm 2019 chỉ giao được 35% và năm 2020 giao được 40% so với nhu cầu. Cùng với việc thẩm định, chấp thuận danh mục công trình năm 2019 chậm 91 ngày, năm 2020 chậm 39 ngày thì việc giao kế hoạch bảo trì đường bộ lần đầu của Bộ GTVT cũng chưa đảm bảo thời gian quy định. Nội dung của kế hoạch bảo trì đường bộ được phê duyệt thiếu nội dung quy mô sửa chữa, bảo trì, phương thức thực hiện, mức độ ưu tiên…

Tại kỳ kiểm toán trước cho giai đoạn 2017-2018, KTNN đã kiến nghị Bộ GTVT “Báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ đối với việc đầu tư xây mới các công trình/hạng mục phụ trợ chưa được quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng”. Đến thời điểm kiểm toán lần này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng thay thế Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, trong đó có quy định các công việc như bổ sung, làm mới rãnh dọc, tường chắn… thuộc phạm vi của hoạt động bảo trì công trình. Thực tế cũng cho thấy, sau khi có các kết luận của KTNN thì Bộ GTVT đã tiếp thu, cụ thể năm 2019, KTNN đưa ra kiến nghị về vấn đề này ở 92 công trình nhưng đến năm 2020 chỉ còn kiến nghị ở 18 công trình.

Tham mưu chưa sát thực tế, giao dự toán chi phải điều chỉnh nhiều lần

Liên quan đến công tác phân bổ, giao dự toán chi quản lý, bảo trì, KTNN đánh giá, Tổng cục Đường bộ tham mưu giao dự toán chi chưa sát thực tế, còn điều chỉnh nhiều lần trong năm. Trong đó, năm 2019, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phải điều chỉnh 7 lần; năm 2020, Bộ GTVT phải điều chỉnh 5 lần… Tại nhiều đơn vị được kiểm toán chi tiết cũng có tình trạng phải điều chỉnh từ 3-7 lần/năm, thậm chí có đơn vị phải điều chỉnh tới 9 lần/năm. Hơn nữa, Bộ GTVT cũng chưa thực hiện giao dự toán ngay từ đầu năm và đầy đủ theo kế hoạch bảo trì đã được phê duyệt mà thực hiện giao và điều chỉnh nhiều lần. Đơn cử, năm 2019, kế hoạch của Bộ GTVT giao cho Cục QLĐB II là 668.063 triệu đồng nhưng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương giao dự toán cho Cục làm 5 lần với nguyên nhân Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương giao dự toán cho Cục QLĐB II theo kết quả thu phí đường bộ trong năm. Tiếp đó, năm 2020, kế hoạch bảo trì đường bộ được Bộ GTVT giao cho Cục QLĐB II là 716.458 triệu đồng, tuy nhiên trong năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa thực hiện giao dự toán 1 lần cho Cục mà phải điều chỉnh 4 lần trong năm với nguyên nhân giao và điều chỉnh vào thời điểm cuối năm là giao theo khối lượng thực hiện và hoàn thành của các dự án.

Tổng cục Đường bộ còn tham mưu Bộ GTVT giao dự toán chi năm 2020 tại Quyết định số 419/QĐ-BGTVT ngày 20/3/2022 cho công trình sửa chữa định kỳ khởi công mới chưa đủ căn cứ dẫn đến phải điều chỉnh giảm và được giao lại tại Quyết định số 1029/QĐ-BGTVT ngày 26/5/2020. Bên cạnh đó, Bộ GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ thực hiện giao dự toán chi lần đầu còn chậm, chưa cùng thời điểm giao dự toán chi hằng năm theo quy định tại khoản 8 Điều 44 Luật Ngân sách nhà nước. Một số nội dung giao dự toán năm 2020 bị trùng dẫn đến cuối năm phải hủy dự toán.

KTNN xác định, tổng số dư phải hủy năm 2019 là 109.430 triệu đồng và số đã nộp tính đến ngày 31/12/2019 là 94.089 triệu đồng, số còn phải nộp là 15.341 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 15/10/2021, đơn vị đã nộp 15.339 triệu đồng, số còn phải nộp là 2 triệu đồng. Còn số dư năm 2020 phải hủy dự toán là 81.888 triệu đồng, trong đó nhiều đơn vị thực hiện đạt thấp hơn kế hoạch, phải hủy dự toán. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh dự toán phải thực hiện trước ngày 15/11 và khối lượng ước thực hiện không đảm bảo do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19./.

Tại Sở GTVT Quảng Nam, năm 2019, kế hoạch của Bộ GTVT giao cho Sở là 154.342 triệu đồng nhưng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương giao dự toán cho Sở tới 6 lần trong năm. Năm 2020, kế hoạch bảo trì đường bộ của Sở được Bộ GTVT giao là 145.536 triệu đồng nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao dự toán cho Sở làm nhiều lần trong năm (4 lần điều chỉnh).

Cùng chuyên mục
Hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ giai đoạn 2019-2020: Kinh phí được giao thấp hơn nhu cầu nhưng thực tế vẫn phải hủy dự toán