Hoạt động thương mại và dịch vụ của Ninh Bình diễn ra sôi động

(BKTO) - 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Ninh Bình đạt 7,56%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng.

nb-3(1).png
Doanh thu từ du lịch của Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống; giá trị GRDP ngành dịch vụ đạt 9.587 tỷ đồng, tăng 15,72% so với cùng kỳ, đóng góp lớn nhất 5,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế. 

     Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đón 4,53 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 84,7% kế hoạch. Doanh thu đạt trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,7% kế hoạch năm. 

Du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, đồng thời lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. 

Bên cạnh đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 2.531,4 tỷ đồng, tăng 2,38%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của người dân và nguyên liệu cho dịch vụ và sản xuất công nghiệp chế biến.

Mặc dù trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức song ngành nông nghiệp đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành, qua đó đã đưa ngành nông nghiệp trở thành kinh tế mang tính chất trụ đỡ trong cơ cấu kinh tế. 

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Theo báo cáo của UBND Tỉnh, tính đến ngày 27/6, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt 2.237,97 tỷ đồng, bằng 27,21% kế hoạch vốn. Mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công chưa cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng chắc chắn sẽ là một động lực tăng trưởng lớn trong các quý tiếp theo. 

Để công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay, UBND Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với ngành nông nghiệp, cần tăng cường dự báo, giám sát và chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, nhất là kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để tái phát kéo dài, tạo sự ổn định cho việc tái đàn. Đôn đốc các huyện, thành phố và các xã đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ và phù hợp với nguồn lực cụ thể./.

Cùng chuyên mục
Hoạt động thương mại và dịch vụ của Ninh Bình diễn ra sôi động