Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Chát: Kỳ II - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ những bất cập trong thực hiện cơ chế đặc thù

(BKTO) - Dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Bản Chát gồm 2 tổ máy với công suất 220MW, điện lượng thương phẩm bình quân hằng năm 770 triệu kWh, đảm bảo bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du với dung tích hồ chứa lớn trên 2,1 tỷ m3, đồng thời hỗ trợ cắt một phần đỉnh lũ cho các công trình ở hạ lưu. Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự án hoàn thành đạt mục tiêu phát điện lên lưới điện quốc gia, tận dụng được nguồn nước thủy điện Bản Chát và tăng công suất khả dụng cho NMTĐ Sơn La, Hòa Bình.




KTNN chỉ rõ những bất cập khi chỉ định thầu, thực hiện chiết giảm chi phí đầu tư của Dự án. Ảnh: TK

Dự án thủy điện đượcáp dụng cơ chế đặc thù

Trên đây là đánh giá của KTNN về tính hiệu lực của Dự án NMTĐ Bản Chát khi thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án này. Dự án xây dựng NMTĐ Bản Chát do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư và trực tiếp thực hiện các dự án: lập Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư; bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng Nhà máy tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu), đầu tư xây dựng tuyến đường tránh ngập QL279 và các tiểu dự án về môi trường. Còn UBND tỉnh Lai Châu là chủ đầu tư dự án bồi thường, di dân tái định cư. Ban Quản lý dự án (QLDA) Thủy điện 1 là đại diện chủ đầu tư của EVN (Ban ATĐ1) và 4 Ban QLDA đại diện cho UBND tỉnh Lai Châu.

Đối với Dự án này, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù theo Công văn số 797/CP-CN ngày 17/6/2003 về các dự án khởi công năm 2003-2004 và Công văn số 400/CP-CN ngày 26/3/2003 về việc thực hiện cơ chế đối với các dự án thủy điện (gọi tắt là cơ chế 797-400). Tổng thầu và các thầu phụ của Dự án được chỉ định theo Công văn số 2032/TTg-CN ngày 15/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Dự án còn được áp dụng một số chính sách đặc thù theo Thông tư số 12/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng các công trình thủy điện; Thông tư số 17/2008/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thủy điện theo cơ chế 797-400; Công văn số 408/LĐTBXH-LĐTL ngày 06/02/2013 về chế độ tiền lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu và Đồng Nai 5; Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 13/02/2016 của Chính phủ về chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với công trình thủy điện.

Thực hiện theo cơ chế đặc thù, công tác lựa chọn nhà thầu đã được EVN và các chủ đầu tư do UBND tỉnh Lai Châu quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật. Qua đó, các đơn vị thực hiện chiết giảm giá hợp đồng từ 2 - 5% so với giá trị dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt tùy thuộc vào từng thời điểm. Các đơn vị tham gia thực hiện Dự án có đầy đủ tư cách pháp nhân theo quy định.

Bất cập khi chỉ định thầu, thực hiện chiết giảm chi phí đầu tư

Theo KTNN, cơ chế 797-400 được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu xây dựng kịp thời các nhà máy điện, đáp ứng đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước để xây dựng các dự án nguồn điện, các DN trong nước thông qua việc xây dựng sẽ nâng cao khả năng tư vấn, xây lắp và chế tạo.

Đến nay, nhiều dự án thủy điện được áp dụng cơ chế 797-400 đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, góp phần lớn vào việc cung cấp nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm vừa qua. Các tổng công ty nhà nước tham gia xây dựng các dự án đã phát triển cả về năng lực tài chính lẫn năng lực thi công xây dựng.

Tuy nhiên, do cơ chế này cho phép áp dụng chỉ định thầu nên đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém về năng lực thực hiện dự án của các nhà thầu được chọn. Nhiều dự án triển khai trong cùng thời gian nên nhân lực, thiết bị, vốn của chủ đầu tư, nhà thầu bị thiếu. Qua tổng hợp kết quả kiểm toán 5 dự án thủy điện gần đây áp dụng cơ chế 797-400 thì tất cả đều vượt tổng mức đầu tư từ 4,14% đến 116,31%; có 2 dự án đảm bảo tiến độ, 3 dự án chậm tiến độ từ 3 - 5 năm. Nhiều điểm thực hiện chưa đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước dẫn đến phải xử lý tài chính theo kiến nghị của KTNN là 1.054,99 tỷ đồng.

Cụ thể, NMTĐ Nậm Chiến tăng tổng mức đầu tư 3.361 tỷ đồng (tương đương 84,93%); chậm tiến độ 3 năm; xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán 139,47 tỷ đồng. NMTĐ Huội Quảng tăng tổng mức đầu tư 5.768 tỷ đồng (tương đương tăng 58,93%), chậm tiến độ 4 năm; xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán 241,95 tỷ đồng. NMTĐ Bản Chát tăng tổng mức đầu tư 7.438 tỷ đồng (tương đương tăng 116,31%); chậm tiến độ 5 năm, xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán 401,38 tỷ đồng. NMTĐ Sơn La tăng tổng mức đầu tư 9.242 tỷ đồng (tương đương tăng 15%); không chậm tiến độ; xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán 61,13 tỷ đồng. NMTĐ Lai Châu tăng tổng mức đầu tư 1.480 tỷ đồng (tương đương tăng 4,14%); không chậm tiến độ; xử lý tài chính qua kết quả kiểm toán 205,93 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ ra rằng công tác quản lý chi phí có nhiều phức tạp, thường xuyên phải điều chỉnh dẫn tới công tác thanh toán phải kéo dài, vượt dự toán ban đầu. Các vấn đề thay đổi trên công trường cũng phải điều chỉnh nhiều khiến nhà thầu không chủ động được vì liên quan đến chi phí, thanh toán, gây kéo dài thời gian thực hiện và không đáp ứng tiến độ.

Đáng chú ý, tỷ lệ chiết giảm chi phí đầu tư qua chỉ định thầu 3 - 5% (Công văn số 797/CP-CN) hay 2% (Công văn số 1880/TTg-KTN) chưa được các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu áp dụng, quản lý chặt chẽ nên chưa tiết kiệm chi phí đầu tư. Mỗi dự án lại được áp dụng một số cơ chế, chính sách riêng về đơn giá, định mức trong khi Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương chưa xây dựng được suất đầu tư xây dựng cho các dự án thủy điện làm cơ sở cho các chủ đầu tư xây dựng tổng mức đầu tư của dự án chính xác hơn góp phần tổ chức quản lý chi phí chặt chẽ hơn.

Mặt khác, theo KTNN, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và một số bộ luật khác liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng đã được hoàn thiện, nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, hình thức quản lý dự án đã và đang được áp dụng rộng rãi góp phần quản lý chặt chẽ hơn công tác quản lý đầu tư xây dựng, đủ cơ sở pháp lý để khắc phục được cơ bản những hạn chế trên của cơ chế 797-400.n

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Bản Chát: Kỳ II - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ những bất cập trong thực hiện cơ chế đặc thù