Phân loại đối tượng, dữ liệu điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN bổ sung quyền hạn của KTNN trong việc được truy cập vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và dữ liệu điện tử (DLĐT) của đơn vị được kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Để thực thi hiệu quả quy định này, KTNN cần xây dựng hướng dẫn chi tiết, trong đó phải phân loại đối tượng, DLĐT phù hợp với các quy định hiện hành và hiện trạng Chính phủ điện tử (CPĐT).




KTNN cần xây dựng hướng dẫn chi tiết, trong đó phải phân loại đối tượng, DLĐT phù hợp với các quy định hiện hành và hiện trạng CPĐT. Ảnh tư liệu
4 nhóm đối tượng và3 nhóm dữ liệu điện tử

Căn cứ tình hình phát triển của CPĐT và thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN có thể phân loại cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán thành 4 nhóm chính:

Các cơ quan nhà nước chủ quản và quản lý các CSDL quốc gia như: Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an. Đây là các cơ quan có liên quan đến hoạt động kiểm toán quan trọng nhất. Việc tiếp cận truy cập, khai thác DLĐT cần tập trung vào truy cập, khai thác CSDL quốc gia, CSDL Bộ, ngành, địa phương.

Các đơn vị được kiểm toán (ĐVĐKT) là các cơ quan nhà nước khai thác, truy cập DLĐT theo các quy định liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020. Quá trình truy cập, khai thác DLĐT của KTNN sẽ song hành cùng sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước.

Các ĐVĐKT không phải là cơ quan nhà nước phần lớn là các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty bảo hiểm, tổng công ty, tập đoàn lớn có vốn nhà nước. Mặc dù không chịu sự ràng buộc bởi các quy định liên quan đến CPĐT nhưng các đơn vị này vẫn được kiểm soát thông qua các hệ thống báo cáo DLĐT cho các cơ quan chủ quản, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan nhà nước khác. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị đều vận hành trong môi trường công nghệ thông tin (CNTT) khác nhau. Quá trình truy cập, khai thác DLĐT của các đối tượng sẽ song hành cùng sự phát triển môi trường CNTT và môi trường kiểm soát CNTT mà đơn vị phải tuân thủ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra, đối chiếu của các cuộc kiểm toán có cách tiếp cận truy cập và khai thác DLĐT gắn với các DLĐT mà đơn vị phải cung cấp cho cơ quan nhà nước như: báo cáo tài chính, tờ khai hải quan, các DLĐT gốc khi kê khai thuế nội địa.
DLĐT được chia thành 3 nhóm chính:

DLĐT mặc định của cơ quan nhà nước là DLĐT được cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán chuẩn bị và chuẩn hóa sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các đơn vị khác trong Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước khác sử dụng. Ví dụ, danh mục các DN từ CSDL quốc gia về đăng ký DN; thông tin về tình trạng thuế, nợ thuế của DN; thông tin về tình hình triển khai các dự án đầu tư sử dụng ngân sách; các danh mục dùng chung của các Bộ, ngành, địa phương. Dữ liệu mặc định của cơ quan nhà nước đã được quy định về cách thức, nghĩa vụ chia sẻ trong khuôn khổ nội bộ Bộ, ngành, địa phương và CPĐT nên các dữ liệu này phải được KTNN ưu tiên khai thác và sử dụng trên cơ sở hạ tầng CNTT hiện có.

DLĐT mặc định cung cấp cho cơ quan nhà nước là DLĐT mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán định kỳ hoặc đột xuất phải chuẩn bị sẵn để cung cấp dữ liệu đã được chuẩn hóa cho các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật liên quan. Ví dụ, báo cáo tài chính, tờ khai hải quan, danh sách thông tin tín dụng của khách hàng mà các ngân hàng thương mại phải gửi định kỳ cho Ngân hàng Nhà nước. Do đây là dữ liệu mặc định nên KTNN hoàn toàn dễ dàng truy cập và khai thác.

DLĐT theo yêu cầu đặc thù của KTNN là các DLĐT mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán phải chuẩn bị sẵn để cung cấp cho KTNN phục vụ cho các cuộc kiểm toán được quy định trong quy trình, hướng dẫn và đề cương kiểm toán của KTNN theo từng lĩnh vực. Ví dụ, KTNN yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin về hộ gia đình, thẻ bảo hiểm y tế gắn với danh sách khách hàng được hưởng ưu đãi tín dụng trong cuộc kiểm toán Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc truy cập, khai thác DLĐT loại này sẽ khó khăn hơn, cần có sự chuẩn bị, sự am hiểu về môi trường CNTT và kiểm soát CNTT của đơn vị.

Phạm vi, nội dung dữ liệuđiện tử được truy cập,khai thác

Từ cách phân loại đối tượng và DLĐT, chúng ta có thể xác định: Cơ quan chủ quản CSDL quốc gia cần cung cấp cho KTNN dữ liệu mặc định của cơ quan nhà nước thuộc đơn vị chủ quản; dữ liệu mặc định cung cấp cho cơ quan nhà nước của các đơn vị được kiểm toán cung cấp cho cơ quan chủ quản; dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của KTNN. Chẳng hạn, khi có kế hoạch kiểm toán năm, KTNN yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cung cấp Danh mục dữ liệu dùng chung của ngành ngân hàng; danh sách kèm theo thông tin tín dụng và tình hình báo cáo tài chính của các DN vay vốn của các ngân hàng thương mại là ĐVĐKT trong năm từ CSDL quốc gia về tín dụng.

ĐVĐKT cần cung cấp cho KTNN dữ liệu mặc định cung cấp cho cơ quan nhà nước; dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của KTNN. Đơn cử, các ngân hàng thương mại là đơn vị được kiểm toán cần cung cấp các bảng cân đối chi tiết đến từng chi nhánh mà đơn vị gửi cho Ngân hàng Nhà nước.

ĐVĐKT là cơ quan nhà nước cung cấp cho KTNN dữ liệu mặc định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán thuộc phạm vi kiểm tra, đối chiếu của cuộc kiểm toán; dữ liệu mặc định của cơ quan nhà nước. Ví dụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh cung cấp toàn bộ DLĐT của các kế hoạch đầu tư trung hạn, trong năm và điều chỉnh xuất ra từ Cổng thông tin giám sát các dự án đầu tư sử dụng NSNN.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra, đối chiếu của cuộc kiểm toán cung cấp cho KTNN dữ liệu mặc định cung cấp cho cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, DN đối chiếu thuế cung cấp các tờ khai thuế điện tử trên phần mềm iHTKK cho cơ quan thuế, tờ khai xuất nhập khẩu trên phần mềm hải quan.

Với việc phân loại đối tượng, DLĐT như trên, KTNN sẽ dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn chi tiết việc truy cập và khai thác CSDL quốc gia và DLĐT, đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí, hướng đến nâng cao hiệu quả và chất lượng của các cuộc kiểm toán.

TS. LÊ ANH VŨ
KTNN chuyên ngành VII
Cùng chuyên mục
Phân loại đối tượng, dữ liệu điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán