Thượng tướng Phan Văn Giang tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Md Yussof - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei - chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước thành viên ADMM+ và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng - làm Trưởng đoàn tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi về tình hình an ninh thế giới, khu vực, đặc biệt là các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực; đánh giá kết quả hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ thời gian qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang nhận định tình hình an ninh khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, trong đó có cạnh tranh nước lớn và các thách thức an ninh phi truyền thống. Một trong những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng nhất hiện nay là đại dịch COVID-19, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, có tiềm lực khoa học, công nghệ và nguồn lực để đối phó hiệu quả với thách thức trên.
Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao chủ đề năm 2021 (Brunei đã chọn chủ đề của ASEAN 2021 là “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng”), khẳng định sẽ ủng hộ các sáng kiến của Brunei đưa ra trong năm 2021, tiếp tục thúc đẩy các cam kết đã đạt được trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19; đồng thời chia sẻ về vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19.
Về an ninh biển và vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Phan Văn Giang tiếp tục đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông, đề nghị các bên tránh có hành động làm ảnh hưởng đến lòng tin, làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. “Làm được điều này sẽ khẳng định rằng chúng ta là những nhà lãnh đạo quốc phòng vì hòa bình” - Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập ADMM, Trưởng đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ADMM cũng như sự đóng góp của ADMM và ADMM+ đối với hòa bình, ổn định khu vực. Thượng tướng Phan Văn Giang tin tưởng rằng, với tinh thần hữu nghị, thực tâm thông qua đối thoại và hợp tác thực chất, đúng như tôn chỉ từ những ngày đầu thành lập của ADMM và ADMM+, các cơ chế hợp tác sẽ tiếp tục là động lực chính góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Kết thúc Hội nghị, các bên đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan của ADMM+ về việc thúc đẩy một ASEAN sẵn sàng cho tương lai hòa bình và thịnh vượng. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại (nước Cộng) khẳng định ASEAN là động lực thúc đẩy trong ADMM+, hợp tác chặt chẽ cùng các nước Cộng trên tinh thần nâng cao trách nhiệm tập thể và không ngừng nỗ lực để thúc đẩy lòng tin.
Các Bộ trưởng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ ADMM+. Trong đó, các nước ADMM+ sẽ tăng cường sự đóng góp của các cơ quan quốc phòng trong việc ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát và ứng phó với sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm COVID-19; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng năng lực của Nhóm chuyên gia ADMM+ về Quân y, Trung tâm Quân y ASEAN và Mạng lưới chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ.
Đối với việc ứng phó với các thách thức an ninh biển cũng như xử lý các vấn đề trên biển trong khu vực, các nước ADMM+ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải, hàng không cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982./.
THÙY ANH (Theo mod.gov.vn)