Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận về 3 dự án Luật

(BKTO) - Sáng 4/4, tại nhà Quốc hội, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhằm thảo luận, góp ý về 3 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.



Tham dự Hội nghị họp có: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Ủy viên UBTVQH, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ban, Viện của UBTVQH; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương.
                
   

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh:quochoi.vn

   
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau khi xem xét, nghiên cứu kết quả tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và ý kiến góp ý của nhân dân, UBTVQH đã cân nhắc và lựa chọn 3 Dự án Luật gồm: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để thảo luận tại Hội nghị này. Đây là 3 dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội với nhiều quy định mới, khó, phức tạp, vì vậy, rất cần sự đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, đây là dự án Luật có ảnh hưởng và tác động rộng lớn trong xã hội đã được thảo luận tại hai kỳ họp và tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước, nhiều nội dung cơ bản đã được thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề như chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở liên thông, chế độ chính sách và nhiệm vụ của nhà giáo và người học, đầu tư tài chính cho giáo dục, vấn đề tự chủ cho các trường…

Về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là Dự án Luật lớn được sửa đổi toàn diện, có tính chất phức tạp nên cần tiếp tục được thảo luận cho ý kiến kỹ lưỡng, nhất là một số vấn đề như: quyền, nghĩa vụ của pháp nhân; tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; trách nhiệm quản lý giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật Đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự án Luật cần tiếp tục thảo luận về các vấn đề như tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; các dự án khẩn cấp, dự án đặc biệt; việc tách riêng công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thẩm quyền xem xét quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; chủ trương đầu tư đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và thảo luận về Dự án Luật này.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường để đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Luật nên đặt vấn đề chuyển từ lấy người dạy làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm, và chuyển biến cơ bản về phương pháp giảng dạy. Việc xác định trách nhiệm xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh trước hết là trách nhiệm của Nhà nước chứ không chỉ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gia đình, xã hội. Đặc biệt cần quy định việc nhà giáo không chỉ đối xử công bằng mà còn nhân ái với học sinh vì người học không thể bị phân biệt đối xử trong quá trình học tập và giáo dục.
                
   

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu tại Hội nghị-Ảnh:quochoi.vn

   
Dẫn chứng từ một số vụ bạo lực học đường diễn ra gần đây tại một số địa phương, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị, Luật cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường để đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, các em cùng nhau học tập. Bởi những quy định hiện nay trong Luật về trách nhiệm của nhà trường rất chung chung và chưa cụ thể điều chỉnh những vấn đề thực tế phát sinh.

Nhấn mạnh vai trò của nhà giáo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tuyển sinh đầu vào đại học sư phạm điểm phải cao như ngành y, dược, công an; phải có sự chắt lọc, làm sao tuyển được những sinh viên giỏi… Theo đại biểu, thầy giỏi thì mới có trò giỏi, trong khi tuyển sinh sư phạm hiện nay có trường lấy từ 14-15 điểm, thấp hơn điểm của một số trường đại học khác thì chất lượng giảng dạy sau khi ra trường của những sinh viên này liệu có đảm bảo và làm sao sau này có học sinh giỏi?

Cùng với việc đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm, đại biểu Hòa và một số đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có chính sách phụ cấp, miễn học phí cho những đối tượng này như học trong công an, quân đội để sau khi học xong, sinh viên ra trường có việc làm ngay trong ngành, khi đó chất lượng giáo viên sẽ cao hơn.
                
   

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Hội nghị- Ảnh:quochoi.vn

   
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên có một bộ sách giáo khoa và thống nhất sử dụng trong cả nước và sử dụng được nhiều lần.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn, nếu mỗi trường một sách thì khi học sinh chuyển trường lại phải chuyển sách, rất khó khăn. Liệu có hiện tượng xúc tiến thương mại sách giáo khoa vào nhà trường hay không? Do đó Luật nên có hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa phù hợp cho mỗi địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, nếu cho mỗi cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn sách giáo khoa thì sẽ do ý chí chủ quan của người đứng đầu, việc lấy ý kiến phụ huynh liệu có khách quan, đảm bảo hay không và không tạo ra sự ổn định. Do đó Nhà nước nên ban hành một bộ sách giáo khoa phổ thông áp dụng chung, thống nhất trong cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ngày mai (5/4) các đại biểu sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận về 3 dự án Luật