Tương quan kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc so với các thị trường còn lại năm 2019, đơn vị "tỷ USD" - Biểu đồ: T.Bình. |
Hàng chục tỷ USD nhập nguyên liệu
Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên đến 75,45 tỷ USD, tăng tới 15,2% so với năm 2018. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với kim ngạch gần 47 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng 2 quốc gia châu Á đã chiếm đến hơn 122 tỷ USD trị giá kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước trong năm ngoái, tương đương hơn 48%.
Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc liên quan đến nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước, trong đó có nhiều nhóm hàng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng từ 2 thị trường trên lớn như thế nào đối với hoạt động sản xuất trong nước.
Dù chưa có thống kê chi tiết, tuy nhiên chỉ cần nhìn vào một số nhóm hàng nhập khẩu chủ lực có thể thấy trị giá nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên đến hàng chục tỷ USD.
Điển hình như với nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày), năm 2019 kim ngạch đạt 24,13 tỷ USD. Riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lên tới 11,52 tỷ USD, Hàn Quốc với 2,92 tỷ USD.
Với nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tiếp tục chia nhau 2 vị trí dẫn đầu. Trong 15,53 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu năm 2019 của nhóm hàng trên, Trung Quốc chiếm 3,99 tỷ USD, Hàn Quốc chiếm 3,4 tỷ USD…
Đầu vào quan trọng của công nghiệp điện tử
Ngoài nguyên liệu liên quan đến lĩnh vực dệt may, da giày hay các ngành công nghiệp quan trọng như đề cập ở trên, Trung Quốc và Hàn Quốc đang là 2 thị trường nhập khẩu linh kiện lớn nhất đối với 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và máy vi tính.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam năm 2019 với trị giá lên tới 51,35 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm trước.
Trong đó, Hàn Quốc là cái tên chiếm vị trí số một với kim ngạch 16,84 tỷ USD, dù giảm 4,2% so với năm trước; trong khi Trung Quốc đứng thứ hai với 12,11 tỷ USD, tăng 47,2%.
Với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch đạt 14,62 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, Trung Quốc là 7,58 tỷ USD; Hàn Quốc 5,92 tỷ USD.
Dù ghi tên chung cả sản phẩm hoàn thiện và linh kiện, nhưng thực tế kim ngạch nhập khẩu phần lớn ở 2 nhóm hàng trên vẫn là linh kiện phục vụ các nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước.
Không chỉ nguyên liệu, linh kiện, Trung Quốc, Hàn Quốc còn là những thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Đây là nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm ngoái với kim ngạch 36,75 tỷ USD, thì Trung Quốc chiếm đến 14,9 tỷ USD, Hàn Quốc chiếm 6,16 tỷ USD để chia nhau 2 vị trí dẫn đầu.
Với tỷ lệ áp đảo như đề cập ở trên, lại liên quan đến những ngành hàng sản xuất lớn nhất của nước ta nên việc khó khăn trong nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, Hàn Quốc thời điểm dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp trong nước.
Thực tế trong cuộc họp chiều 26/2, Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất đối với nhiều ngành hàng chủ lực.
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với ưu thế lớn, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn duy trì 2 vị trí dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2020. Thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường, hết tháng 1/2020, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,557 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 3,944 tỷ USD. 2 thị trường này chiếm 51% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm. |
Theo haiquanonline.com.vn