Hơn 300 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương giải ngân vốn đầu tư công là 0%

(BKTO) - Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 4848/BTC-ĐT gửi ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.

congtruong1.jpg
Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của 316 dự án, tiểu dự án nguồn NSTƯ tại 48 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2024 là 0%. Ảnh: ST

Tại công văn Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) theo ngành, lĩnh vực (trong nước) do địa phương quản lý là 82.243,909 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến hết ngày 31/3/2024 các dự án mới giải ngân được 8.634,291 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%).

Đặc biệt, đến ngày 30/4/2024, còn nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân là 0% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để các địa phương nắm bắt tình hình giải ngân vốn ĐTC của từng dự án nguồn NSTƯ theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) do địa phương quản lý, làm cơ sở để chủ tịch UBND cấp tỉnh kịp thời chủ động triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC năm 2024, phấn đấu đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của 316 dự án, tiểu dự án nguồn NSTƯ theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2024 là 0% tại 48 địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của tất cả các nguồn vốn.

Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; công tác kiểm soát, thanh toán vốn ĐTC; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn ĐTC các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước Bộ Tài chính đã công khai hằng tháng.

Cùng với đó, chủ động rà soát và điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn; trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các bộ có liên quan để tổng hợp theo quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao./.

Cùng chuyên mục
Hơn 300 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương giải ngân vốn đầu tư công là 0%