Ban điều hành buổi họp báo kết thúc Đại hội ASOSAI 14-Ảnh: TTXVN
Nhà báo đặt câu hỏi với Ban điều hành cuộc họp - Ảnh: Ban tổ chức
Trả lời câu hỏi này, bà Hồ Trạch Quân cho biết: Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác trong các SAI thành viên để thúc đẩy sự phát triển của ASOSAI và tăng cường sự phối hợp của các thành viên ASOSAI, tiếp tục hợp tác với KTNN Việt Nam cũng như các SAI thành viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các hoạt động của các thành viên ASOSAI hướng tới sự sáng tạo, đảm bảo quản trị tốt trong cộng đồng ASOSAI và xây dựng một nền tảng vững chắc cho các thành viên ASOSAI chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kiểm toán trong khu vực châu Á và sẽ góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của từng nước thành viên.
Với câu hỏi: “Đâu là kết quả quan trọng nhất của Đại hội ASOSAI 14 và ông đánh giá như thế nào về đề xuất của KTNN Việt Nam tại Đại hội, đặc biệt là về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc Choe Jeahyeong - Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018 nhấn mạnh: Kết quả quan trọng nhất của Đại hội là đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội” và KTNN Việt Nam đã thành công trong việc đăng cai, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế này. Do đó, vai trò và vị trí của KTNN Việt Nam đã được đẩy mạnh hơn trên trường quốc tế. Đối với Chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, việc thông qua “Tuyên bố Hà Nội” đã thể hiện rõ những mục tiêu liên quan đến môi trường của Liên Hợp quốc, đó là những thông điệp sáng nhất, mạnh mẽ nhất tại Đại hội này. KTNN Việt Nam với vai trò là Chủ tịch mới của ASOSAI sẽ phải đi đầu trong việc hợp tác giữa các SAI thành viên để phối hợp thực hiện mục tiêu của “Tuyên bố Hà Nội” cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc…
Toàn cảnh buổi họp báo -Ảnh: Lê Hoà
Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia Madinah Binti Mohamad: “KTNN Malaysia xây dựng các chương trình đào tạo cho các SAI thành viên, đưa ra các khuôn khổ là các khoá đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Một trong những nền tảng được Malaysia khởi xướng là đề xuất kiểm toán toán dựa trên đánh giá rủi ro…”. |
Qua Đại hội này, các SAI cũng đã đặt một nền tảng thống nhất, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững - Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến đề xuất của KTNN Việt Nam đối với việc xây dựng Cổng Thông tin điện tử ASOSAI nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Để kết nối và chia sẻ các kiến thức, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực các SAI, Đại hội đã thống nhất lấy Học viện Kiểm toán Trung Quốc, Học viện Kiểm toán Malaysia và Học viện Kiểm toán Ấn Độ là 3 trung tâm đào tạo của ASOSAI
Thứ hai là thống nhất xây dựng một cổng thông tin điện tử để có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm toán và các cuộc kiểm toán chung. Điều này đã được sự nhất trí cao của các SAI thành viên. Đại hội cũng đã thống nhất việc đào tạo trực tuyến giữa các SAI thành viên và tăng cường công tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như các công nghệ để thực hiện các cuộc kiểm toán tốt hơn, hướng tới tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI đã đề ra và thực hiện mục tiêu của Đại hội ASOSAI.
Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc: Đại hội ASOSAI 14 đã hoàn thành một cách xuất sắc các nội dung, như: bầu ra Ban Điều hành, Ban Thư ký, Ủy ban Kiểm toán, thống nhất được SAI chủ trì và địa điểm tổ chức Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 54, thông qua Tuyên bố Hà Nội, đặc biệt là Hội nghị chuyên đề lần thứ 7, Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52, 53. |
Ngoài ra, các SAI đã cử hơn 300 chuyên gia đến đào tạo cho kiểm toán viên Việt Nam. KTNN đã xây dựng được 39 chuẩn mực kiểm toán quốc tế theo hướng dẫn của INTOSAI cũng từ kinh nghiệm của các SAI. Chúng tôi cũng đã hoàn thành được các quy trình kiểm toán và tranh thủ kinh nghiệm từ các bộ luật của kiểm toán các nước để xây dựng Luật KTNN năm 2005, 2015.
Liên quan đến câu hỏi đánh giá về vai trò của KTNN Việt Nam đối với hoạt động của ASOSAI, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia cho rằng: KTNN Việt Nam đã tổ chức rất thành công Đại hội ASOSAI 14, đặc biệt là sự mến khách, cởi mở của KTNN. Việc tổ chức họp báo và các phiên họp tại Đại hội cho thấy KTNN Việt Nam đã áp dụng tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.
Với kinh nghiệm là Chủ tịch của ASOSAI trong quá khứ, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với KTNN Việt Nam để có thể hiện thực hoá các mục tiêu trong lĩnh vực nâng cao năng lực, thiết lập các cơ chế, cơ sở đào tạo cho kiểm toán viên - bà Madinad Binti Mohamad nói.
Trả lời câu hỏi về việc KTNN Việt Nam sẽ làm gì để đảm nhiệm tốt nhất vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, việc KTNN đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI là niềm vinh dự, đồng thời là trọng trách và KTNN Việt Nam sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. KTNN Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng Thư ký ASOSAI và các SAI thành viên để thực hiện tốt chiến lược của ASOSAI trong giai đoạn 2018-2021.
Đối với việc học hỏi kinh nghiệm kiểm toán môi trường đã được các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại các phiên họp trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán môi trường. Thời gian qua, kiểm toán môi trường đã được KTNN Việt Nam chú trọng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kiểm toán mới so với Việt Nam. Đến nay, KTNN cũng đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan liên quan để ban hành quy trình kiểm toán môi trường…
Trả lời câu hỏi vì sao môi trường trở thành vấn đề được thành viên ASOSAI, trong đó có KTNN Việt Nam quan tâm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc cho rằng, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia. Suy thoái môi trường sinh thái toàn cầu tác động đến biến đổi khí hậu, dẫn đến những thảm họa thiên tai khủng khiếp, khó lường, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Do đó, các quốc gia phải chung sức trong vấn đề bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững.
NHÓM PHÓNG VIÊN