Hợp tác xã: Cầu nối đưa bảo hiểm nông nghiệp đến người dân

(BKTO) - Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là công cụ tài chính quan trọng giúp người sản xuất ứng phó với rủi ro thiên tai và thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc do quy mô hộ nhỏ lẻ, thiếu niềm tin và sự kết nối giữa doanh nghiệp (DN) bảo hiểm với người dân. Trong bối cảnh đó, hợp tác xã (HTX) được xem là cầu nối tiềm năng giúp chính sách đi vào cuộc sống.

15-bao-hiem-nn.jpg
Cần có sự phối hợp của các bên để đưa chính sách BHNN vào cuộc sống hiệu quả hơn. Ảnh: ST

Các bên chưa mặn mà với chính sách

Nhận diện nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng phát triển thị trường BHNN nhằm thúc đẩy sản xuất, bù đắp thiệt hại do thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi. Nhiều quy định đã được ban hành như: Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN; Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất cùng các quy định mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách thời gian qua vẫn còn hạn chế.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quy mô hộ tham gia bảo hiểm giảm mạnh, từ hơn 16.000 hộ trong giai đoạn 2019-2021 hiện giảm xuống còn khoảng 4.000 hộ. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong thực thi là do mô hình BHNN hiện vẫn tổ chức ở cấp hộ nông dân nhỏ lẻ, thiếu vai trò của HTX”.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Định - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết: người dân do hạn chế hiểu biết về loại hình dịch vụ BHNN, chỉ coi đây là kênh hỗ trợ đền bù thiệt hại khi bị thiên tai, dịch bệnh mà chưa hiểu hết vai trò đồng hành, hỗ trợ trong sản xuất của chính sách. DN bảo hiểm không đủ dữ liệu về các lĩnh vực sản xuất của người dân để thiết kế sản phẩm phù hợp; gặp khó khăn trong xác nhận tổn thất và kiểm soát rủi ro. “Khi mỗi HTX là nơi tập hợp của hàng chục, hàng trăm hộ dân thì đây chính là không gian phù hợp giúp giải quyết những thách thức vừa qua, đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả” - ông Định nhấn mạnh.

Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trước những bất thường của thiên tai gây tác động to lớn đến sản xuất nông nghiệp, thì đây là lúc cần thay đổi cách thức tổ chức thực hiện chính sách này, trong đó HTX sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các bên.

Hiện cả nước có khoảng 22.000 HTX nông nghiệp và hơn 34.000 tổ nhóm nông dân. Nhiều HTX đã tiếp cận công nghệ số như: truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, phần mềm kế toán… có thể trở thành những đối tác hiệu quả của các DN bảo hiểm. “HTX nông nghiệp có khả năng đảm nhiệm hiệu quả nhiều khâu trong chuỗi giá trị bảo hiểm, từ kết nối người dân đến DN, từ quản lý kỹ thuật sản xuất đến xác nhận tổn thất và phân bổ bồi thường.

Vừa qua, mô hình bảo hiểm bò sữa tại HTX Thành Công (tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) đã được triển khai. Khi có rủi ro, HTX Thành Công và cơ quan thú y địa phương đã nhanh chóng phối hợp với DN bảo hiểm tổ chức giám định và giải quyết chế độ bảo hiểm cho hộ chăn nuôi kịp thời, từ đó củng cố niềm tin của người dân vào chính sách này. Đây là minh chứng cho thấy vai trò kết nối, tạo niềm tin của HTX trong việc tham gia sâu vào quá trình triển khai chính sách BHNN đến người dân.

HTX có thể làm trung gian giữa DN bảo hiểm và ngân hàng; BHNN tích hợp với tín dụng giúp nông dân vừa được vay vốn, vừa được bảo hiểm, qua đó, tăng niềm tin ngân hàng, giảm rủi ro tín dụng, tăng cơ hội đầu tư nông nghiệp.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Để chính sách bảo hiểm nông nghiệp phát huy hiệu quả

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc áp dụng BHNN theo tổ nhóm nông dân, HTX được kỳ vọng sẽ hiệu quả và phù hợp hơn thay vì cho từng hộ riêng lẻ. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa thực sự khuyến khích, chưa định vị rõ vai trò của HTX trong triển khai BHNN. Trong đó, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về BHNN có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, song lại thiếu quy định cho phép HTX tham gia. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng hiện không cho phép ngân hàng tư vấn bảo hiểm kèm sản phẩm tín dụng - vốn là một trong những kênh phân phối bảo hiểm hiệu quả đến người dân. Những bất cập này cần có giải pháp tháo gỡ.

15b.jpg
Cần nghiên cứu hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về BHNN. Ảnh: ST

Do đó, các chuyên gia cho rằng: cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi triển khai BHNN thông qua HTX; xác lập cơ chế để tổ nhóm nông dân, HTX làm trung gian cung ứng bảo hiểm với các DN bảo hiểm. “Với năng lực tổ chức cộng đồng và giám sát nội bộ, các tổ nhóm nông dân, HTX có thể phối hợp cùng chính quyền và DN bảo hiểm để xác minh thiệt hại đảm bảo khách quan, hạn chế gian lận và rủi ro do gian lận trong kê khai” - ông Nguyễn Tiến Định cho biết.

Đồng thời, theo ông Định, cần tăng cường tổ chức đào tạo, hướng dẫn để các HTX hiểu rõ quy trình; từ đó đại diện cho các thành viên cung cấp cơ sở dữ liệu về sản xuất - điều kiện tiên quyết để xây dựng sản phẩm bảo hiểm theo đặc thù ngành hàng và địa bàn; hỗ trợ HTX nâng cao năng lực về quản trị rủi ro, xây dựng hồ sơ bảo hiểm, hợp đồng mẫu và kiến thức bảo hiểm.

Hướng đến giá trị lớn hơn từ BHNN, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đề nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo hướng ưu tiên, khuyến khích các hộ nông dân, HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong các vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giảm phát thải. Các DN bảo hiểm cần thiết kế các gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho các tổ nhóm nông dân, HTX.

Theo ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, BHNN không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần mà còn là trụ cột quan trọng giúp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vững vàng hơn trong biến động rủi ro. Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về BHNN, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, DN tiếp cận thuận lợi. Cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về thị trường BHNN, bao gồm thông tin về thị trường, số liệu thực tế chi trả, số liệu tổn thất theo từng địa bàn, từng ngành hàng…

Đặc biệt, cần tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước - DN bảo hiểm - tổ nhóm nông dân, HTX; thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong triển khai BHNN, tạo niềm tin cho người dân, DN về hiệu quả của chính sách./.

Cùng chuyên mục
  • Vận tải hành khách công cộng: Bài toán kinh phí và hiệu quả
    2 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mang lại nhiều lợi ích về xã hội, môi trường và phát triển đô thị. Tuy nhiên, bài toán đảm bảo hiệu quả đầu tư, tối ưu trợ giá và ứng dụng công nghệ hiện đại vẫn còn nhiều thách thức.
  • Kỷ nguyên mới, bài toán nguồn nhân lực
    8 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực trạng hơn 30% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, hơn 64% lao động phi chính thức và gần 38 triệu người chưa qua đào tạo cho thấy bức tranh nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
  • Di tích “khoác áo mới” sau trùng tu, vì đâu?
    8 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trùng tu, tôn tạo di tích khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; phương án trùng tu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật… đây là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều di tích sau trùng tu bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến giá trị của di tích và gây bức xúc trong dư luận đã được các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào cuộc chỉ ra qua kiểm toán.
  • Doanh nghiệp thủy sản trông chờ chính sách đột phá để “vươn mình”
    29 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dù góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản, song các doanh nghiệp (DN), phần lớn là DN tư nhân vẫn gặp những “hòn đá tảng” trên hành trình phát triển. Với sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW, cơ hội cho các DN thủy sản “vươn mình” ra biển lớn đang ngày càng rộng mở. Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã chia sẻ thẳng thắn về những rào cản, cơ hội cho DN tư nhân.
  • Xử lý kinh tế thay vì hình sự
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, rủi ro, tranh chấp và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Những điều đó không đồng nghĩa với hành vi tội phạm. Bởi vậy, chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" mà Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị mới đây xác lập là một bước tiến lớn trong tư duy quản lý nhà nước, thể hiện sự tôn trọng nguyên lý thị trường, đồng thời tạo lập niềm tin mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân.
Hợp tác xã: Cầu nối đưa bảo hiểm nông nghiệp đến người dân