Kỷ nguyên mới, bài toán nguồn nhân lực

(BKTO) - Thực trạng hơn 30% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, hơn 64% lao động phi chính thức và gần 38 triệu người chưa qua đào tạo cho thấy bức tranh nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.

15a-thay.png
Hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng để tăng trưởng bền vững. Ảnh: ST

Chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường

Kinh tế - xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu ngày càng cao về năng suất, chất lượng và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là đòi hỏi cấp bách mà còn là động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động, là “chìa khóa” then chốt giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.

Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47 cho thấy: nguồn nhân lực hiện nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển. Quy mô lực lượng lao động có bước tiến rõ rệt, cơ cấu ngày càng phù hợp; trình độ và kỹ năng được cải thiện; năng suất lao động, việc làm và thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, khi yêu cầu đối với chất lượng nhân lực được nâng lên thì nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao đang hiện hữu. Đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành, các “tổng công trình sư” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, các ngành kinh tế mới, công nghiệp quốc phòng và an ninh; cùng những lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn...

Dự thảo Báo cáo giám sát cũng nêu nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể: tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn ở mức cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động; phần lớn có thu nhập thấp, làm việc kéo dài trong điều kiện thiếu an toàn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trong năm 2024 chỉ đạt 28,3%. Cả nước hiện có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Mặc dù chất lượng lao động có cải thiện, nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Kết luận giám sát cần giao Chính phủ xây dựng đề án về vấn đề thu hút và sử dụng nhân tài trong và ngoài lĩnh vực công. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội có cơ chế chính sách nhằm có được nguồn nhân lực làm chủ khoa học công nghệ. Khi làm chủ được khoa học công nghệ thì mới chuyển đổi sang một nền kinh tế năng suất lao động cao và sử dụng công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc

Một mối quan tâm lớn được Đoàn giám sát và nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra là: Giữa lúc nước ta đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số thì nguồn nhân lực chất lượng cao lại chính là yếu tố cốt lõi. Dù vậy, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng, toàn diện về định nghĩa và khung chính sách đối với loại hình nhân lực này, khiến việc xác định nhân tài, hoạch định và triển khai chính sách thu hút, đào tạo gặp nhiều khó khăn.

Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời bố trí đầy đủ nguồn lực đảm bảo cho thực hiện. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực sáng tạo của lực lượng lao động, gắn với ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới.

15b.jpg
Cần phát triển thị trường lao động hiện đại, hiệu quả gắn liền với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cần giao một cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cả ở khu vực công lẫn ngoài công lập. Cơ quan này có trách nhiệm theo dõi, dự báo, xây dựng chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, giám sát và đánh giá kết quả; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo nhu cầu và lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để có chính sách phù hợp, thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng tình với kiến nghị trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc dự báo nhu cầu và hoạch định chính sách tổng thể, toàn diện. Ông đề nghị cần đổi mới cách tiếp cận và dự báo nguồn nhân lực, từ đó xây dựng chiến lược phát triển hợp lý trong từng giai đoạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần đổi mới giáo dục từ nền tảng giáo dục phổ thông. “Giáo dục phổ thông không chỉ là học chữ, học kỹ năng mà còn cần chuẩn bị tâm thế cho thế hệ sẽ làm chủ tương lai đất nước, vươn mình mạnh mẽ...” - ông Phan Văn Mãi dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chiến lược phát triển nhân lực trong giai đoạn mới phải có các chính sách đột phá cho giáo dục nghề nghiệp và đại học. Sự đổi mới giáo dục cần bám sát nhu cầu thị trường và định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Điều quan trọng nhất sau giám sát là phải xây dựng được một cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp vươn mình của đất nước. Trước tiên, cần xác định khái niệm và phạm vi “nguồn nhân lực chất lượng cao” một cách rõ ràng để làm cơ sở hoạch định chính sách và triển khai giải pháp hiệu quả. Đồng thời, phải xác định cụ thể ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu, đối tượng, hình thức và nguồn lực đào tạo. Chính sách thu hút nhân tài cũng cần được cụ thể hóa mạnh mẽ.

Cuối cùng, phát triển thị trường lao động hiện đại, hiệu quả gắn liền với đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh, chính là nền tảng để Việt Nam chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng bền vững, hội nhập sâu rộng và bắt nhịp với kỷ nguyên số./.

Cùng chuyên mục
  • Di tích “khoác áo mới” sau trùng tu, vì đâu?
    13 giờ trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trùng tu, tôn tạo di tích khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; phương án trùng tu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật… đây là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều di tích sau trùng tu bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến giá trị của di tích và gây bức xúc trong dư luận đã được các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào cuộc chỉ ra qua kiểm toán.
  • Doanh nghiệp thủy sản trông chờ chính sách đột phá để “vươn mình”
    21 ngày trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dù góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản, song các doanh nghiệp (DN), phần lớn là DN tư nhân vẫn gặp những “hòn đá tảng” trên hành trình phát triển. Với sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW, cơ hội cho các DN thủy sản “vươn mình” ra biển lớn đang ngày càng rộng mở. Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã chia sẻ thẳng thắn về những rào cản, cơ hội cho DN tư nhân.
  • Xử lý kinh tế thay vì hình sự
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, rủi ro, tranh chấp và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Những điều đó không đồng nghĩa với hành vi tội phạm. Bởi vậy, chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" mà Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị mới đây xác lập là một bước tiến lớn trong tư duy quản lý nhà nước, thể hiện sự tôn trọng nguyên lý thị trường, đồng thời tạo lập niềm tin mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân.
  • Minh bạch chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong các cuộc đàm phán thương mại song phương, Mỹ thường yêu cầu đối tác phải chứng minh khả năng kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, minh bạch chuỗi cung ứng và đảm bảo không tiếp tay cho hoạt động gian lận. Đây là vấn đề cần được ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm để hạn chế rủi ro, giảm thiệt hại trước tác động của chính sách thuế quan.
  • Giảm tổn thương về kinh tế trước các cú sốc khí hậu
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Giới chuyên gia đánh giá, chính sách thương mại sẽ giúp giảm mức độ tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc khí hậu. Là một trong các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam cần lồng ghép thích ứng BĐKH vào các hiệp định thương mại thế hệ mới để phát huy vai trò hỗ trợ của thương mại trong phát triển bền vững.
Kỷ nguyên mới, bài toán nguồn nhân lực