
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên và đồng chí Nguyễn Khắc Thận - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đồng chủ trì Hội nghị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, việc sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là chủ trương đúng đắn, là bước chuẩn bị quan trọng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ hợp nhất, chung tay xây dựng tỉnh mới ngày một phát triển, năng động, văn minh, hiện đại, mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do đó, đây là buổi làm việc có ý nghĩa rất quan trọng để BTV Tỉnh ủy 2 tỉnh thảo luận, triển khai các nhiệm vụ, công việc thực hiện hợp nhất 2 tỉnh trong thời gian tới bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, thuận lợi, toàn diện, đầy đủ, chất lượng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã chia sẻ một số nét nổi bật của tỉnh Thái Bình về kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời, khẳng định quyết tâm của tỉnh Thái Bình thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đối với việc hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận cho biết, thời gian qua, hai tỉnh đã thường xuyên có sự trao đổi, phối hợp, chia sẻ để triển khai các công việc cho quá trình hợp nhất và sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa để hoàn thành các công việc đề ra. Việc hợp nhất sẽ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, cộng hưởng và giao thoa các thành tựu đã đạt được, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lê Huy - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên - trình bày tóm tắt Dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình gồm các nội dung chính: Sự cần thiết hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; hiện trạng tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; phương án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; đánh giá tác động khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Theo Dự thảo Đề án, phương án, lựa chọn tên gọi và trung tâm hành chính-chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được đề xuất tên là tỉnh Hưng Yên. Trụ sở trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Hưng Yên mới tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bổ sung các nội dung Dự thảo Đề án sắp xếp hai tỉnh; thống nhất các nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp triển khai phối hợp thực hiện nhiệm vụ từ nay đến trước ngày 30/6/2025.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Nội vụ hai tỉnh trong việc xây dựng Dự thảo Đề án; đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh mà còn định hướng mở ra không gian lớn hơn để phát triển trong tương lai, với những yếu tố tương đồng làm nền tảng phát triển.
Trên cơ sở thảo luận và thống nhất tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị Sở Nội vụ hai tỉnh tổng hợp, bổ sung đầy đủ vào Dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình để báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn hai tỉnh theo đúng quy định của pháp luật trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Các cơ quan, đơn vị chức năng của hai tỉnh chủ động kết nối, phối hợp làm việc trực tiếp với nhau, trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu để thống nhất định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành, đơn vị bảo đảm tính kế thừa, phù hợp và không bị xáo trộn lớn trong quá trình vận hành tỉnh mới.
Đề cập đến việc hợp nhất sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, vướng mắc, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và tuyên truyền, tạo đồng thuận, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về hợp nhất tỉnh, sắp xếp ĐVHC cấp xã, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy hai tỉnh chủ động cung cấp thông tin, định hướng và phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện tốt công tác tuyên truyền; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.../.