Hướng đến Tháng Công nhân năm 2024: Thi đua sản xuất gắn với an toàn lao động

(BKTO) - Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, Tháng Công nhân 2024 diễn ra với nhiều hoạt động trọng tâm, góp phần bảo đảm việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.

_dsc0390.jpg
Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Thông tin tại cuộc gặp mặt báo chí về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2024 diễn ra chiều tối 26/2, Bà Vũ Thị Giáng Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024, kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886-01/5/2024).

Theo đó, các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2024 do Công đoàn tổ chức nhằm tuyên truyền, động viên, khích lệ tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 vào cuộc sống.

Đồng thời, phát huy tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 01/5, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động; thúc đẩy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh.

_dsc0419.jpg
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

      Năm 2024, đặc biệt là trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn sẽ nỗ lực chăm lo tốt hơn cho người lao động; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Bữa cơm Công đoàn”, bởi đây là hoạt động thiết thực, khẳng định trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động, từ những nhu cầu cụ thể thường ngày.

- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Trong đó, có những hoạt động nổi bật như: Chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”…

Theo bà Giáng Hương, trong chương trình, các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập và triển khai nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 gắn với phổ biến chính sách, pháp luật mới liên quan đến quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Đề xuất, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động các cấp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động theo Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” phù hợp với điều kiện thực tế.

Bên cạnh việc tổ chức đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các LĐLĐ tỉnh, thành phố tiếp tục đề xuất, phối hợp tổ chức Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động tại địa phương, tập trung vào các Dự án Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

_dsc0382.jpg
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn cần nắm rõ quy định, cũng như kế hoạch để triển khai các hoạt động hướng đến Tháng Công nhân một cách thiết thực, hiệu quả. Ảnh: N.Lộc

Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp tổ chức Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” để người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, lắng nghe đoàn viên, người lao động đề xuất ý tưởng, giải pháp nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất - kinh doanh; kiến nghị giải pháp bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững và phát huy tinh thần trách nhiệm của công nhân trong đồng hành với doanh nghiệp thúc đẩy năng suất lao động.

Nhằm triển khai Chương trình “Cảm ơn người lao động”, các cấp công đoàn bố trí nguồn lực tài chính công đoàn, huy động các nguồn lực xã hội và người sử dụng lao động để tổ chức tri ân đoàn viên, người lao động có thành tích trong lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thăm hỏi, tặng quà, trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn.

Thông qua các hoạt động Tháng Công nhân, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ đoàn viên, người lao động trong hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm việc làm và cải thiện thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động.

Đặc biệt, trong Tháng Công nhân 2024, các cấp công đoàn sẽ tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất; phối hợp chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với Lễ phát động, hưởng ứng Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 và kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 01/5…

Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng - Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã thông tin về dự án xây dựng, lắp đặt phòng đào tạo, giám sát an toàn thông minh về an toàn vệ sinh lao động. Theo ông Thơ, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng ngừa tai nạn, sự cố đã và đang được triển khai thực hiện tại nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới và ngày càng được chú trọng tại Việt Nam.

“Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, thông minh trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động đến các người lao động, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, công trường, nhà máy thuộc các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang trở nên cấp thiết để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, tai nạn” - ông Thơ nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Hướng đến Tháng Công nhân năm 2024: Thi đua sản xuất gắn với an toàn lao động