Lượng tăngnhưng chất chưa đổi
Nhìn lại hoạt động XKLĐ những năm qua, có thể thấy, một trong những dấu ấn đậm nét của thị trường này chính là số người đi làm việc ở nước ngoài đều vượt con số hơn 100 nghìn lao động và luôn tăng khoảng 10% mỗi năm. Từ năm 2014-2016, tổng số người đi XKLĐ đạt gần 350 nghìn người. Riêng năm 2016, cả nước có trên 126 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt trên 26% kế hoạch đề ra; trong đó, thị trường Đài Loan có trên 68 nghìn, Nhật Bản có gần 40 nghìn, Hàn Quốc có trên 8 nghìn và Ả Rập Saudi có trên 4 nghìn lao động. Hằng năm, số tiền gửi về nước từ hoạt động này khoảng từ 1,6-2 tỷ USD.
Năm 2016, cả nước có trên 126 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài.Ảnh: TS
Mặc dù lực lượng lao động ra nước ngoài làm việc tăng lên đáng kể nhưng theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều lao động còn hạn chế về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật; dẫn đến chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng ở một số địa phương vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước hiện có khoảng 300 DN được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy, số DN tham gia vào lĩnh vực XKLĐ khá nhiều. Thế nhưng, trong số đó, không ít DN hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều DN được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc thực hiện. Mặt khác, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cũng phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chưa kể, một số DN thu phí đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mức quy định cho phép, không những gây bức xúc cho người lao động mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mở rộng, phát triển thị trường XKLĐ. Thực trạng này một phần bắt nguồn từ việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo và sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp quản lý giữa các ngành, các cấp có liên quan.
Chấn chỉnh những bất cập
Bộ LĐ-TB&XH đang đặt ra mục tiêu mở rộng thêm những thị trường XKLĐ mới và nâng cao hơn chất lượng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, các DN đưa từ 100 - 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH, các DN cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan “cần nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác XKLĐ”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” mới đây.
Một trong những yêu cầu mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra đối với Bộ LĐ-TB&XH là rà soát, sửa đổi lại hệ thống pháp luật về XKLĐ sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, các DN cần tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động các nước. Cùng với đó, Hiệp hội XKLĐ phải phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền của các DN hội viên và đấu tranh với những DN làm chưa tốt, đặc biệt là những DN thu phí của người lao động vượt mức cho phép.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề tại DN. Trên cơ sở kết quả thanh tra, Bộ sẽ kiên quyết xử lý các DN tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp phát hiện DN vi phạm các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.
Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt, Bộ sẽ đánh giá tác động của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hoàn thiện hồ sơ chỉnh sửa Luật này để trình Chính phủ vào cuối năm 2017 và trình Quốc hội vào năm 2019. Ngoài ra, với mục tiêu mở rộng và hướng tới những thị trường XKLĐ giàu tiềm năng và có phân khúc cao hơn, Bộ cũng sẽ sớm hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án đưa lao động có chuyên môn trình độ kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng tới năm 2025.
THÀNH ĐỨC