Nụ cười ẩn giấu nổi tiếng trên 40 quốc gia của bà Hai Xong do nhiếp ảnh gia Rehahn chụp tại Hội An. Ảnh: ST
1. Hội An chiều cuối năm mưa rả rích. Sông Thu Bồn mùa nước lớn, nước tràn lên những con đường ven sông. Mặc cho mưa gió, nhiều du khách vẫn thả bộ trên phố. Hòa mình vào dòng người ấy, tôi lần lượt đi qua phố Lê Lợi, Nguyễn Thái Học… rồi dừng chân bên vỉa hè đường Trần Phú - nơi bà bán hàng rong tươi cười mời khách thưởng thức vài thứ bánh đặc sản. Vừa bán hàng, bà vừa tâm sự. Bao năm nay, dù mưa hay nắng, bà vẫn hằng ngày quẩy gánh hàng rong bán dạo khắp phố phường. Bà bảo: “Mưu sinh là một lẽ. Với lại, ngày nào không được gặp du khách cũng thấy buồn và nhớ con ạ”. Trước khi tạm biệt, bà còn giúp tôi kéo lại vạt áo mưa, nhẹ nhàng dặn dò: “Mưa lắm. Cẩn thận nhé con gái!”. Chỉ vậy thôi cũng đủ để du khách cảm thấy ấm lòng khi dạo quanh phố cổ giữa ngày mưa lạnh giá.
2. Chia tay bà bán hàng rong mà chưa kịp hỏi tên, tôi tìm đến nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống. Thêm lần nữa, nụ cười và lời mời ngọt ngào của chủ cửa hàng đèn lồng trên phố Nguyễn Thị Minh Khai đã níu giữ tôi và nhiều du khách dừng chân.
Hơn chục năm nay, chị Tinh An và gia đình gắn bó với nghề làm đèn lồng, cái nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Giáp tết là thời điểm mà cơ sở sản xuất đèn lồng của gia đình chị phải làm việc gấp rút cho kịp những đơn hàng. Bởi vậy, những lúc cửa hàng vắng khách, chị tranh thủ từng phút dán đèn lồng. Bận rộn là thế nhưng khi khách đến, chị lại tạm gác công việc, nhiệt tình mời mọc, giới thiệu các sản phẩm. Trên môi chị lúc nào cũng túc trực nụ cười ngay cả khi gặp phải những du khách khó tính. “Bán hàng chẳng khác nào làm dâu trăm họ e ạ, luôn phải chiều lòng khách”. Nói rồi, chị cười giòn tan. Nụ cười ấy đã khiến tôi và chị xích lại gần nhau, cởi mở hơn trong câu chuyện. Chia tay tôi, chị không quên nhắn nhủ: “Mưa lạnh, đường xa, đi cẩn thận nhé!”. Lời dặn ấy đã nhân thêm động lực để tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá Hội An.
3. Rời khu phố sầm uất, qua cầu Cẩm Nam, lần theo con đường men sông Thu Bồn, tôi tìm về nhà bà Bùi Thị Xong - người phụ nữ trong bức hình của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn. Người dân bên dòng Thu Bồn thường trìu mến gọi bà với cái tên Hai Xong, còn báo giới ca ngợi bà là “cụ bà đẹp nhất thế giới”.
Bà Hai Xong năm nay 79 tuổi. Bà sinh ra ở xã Cẩm Thanh (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi. Lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc, bà dạt qua Cẩm Nam rồi kết duyên với ông Đỗ Văn Tới (chồng bà bây giờ). Cũng từ đấy, cuộc đời bà là những chuỗi ngày “dầm mưa dãi nắng”, chèo đò để mưu sinh. Mới đây thôi, vợ chồng bà đã phải nén nỗi đau, đưa người con cả bệnh tật về nơi chín suối. Bao nhọc nhằn, mất mát như dòng Thu Bồn mùa nước lũ cuốn đi tuổi trẻ và nhan sắc của bà. Thế nhưng, thứ duy nhất mà thời gian và những gian truân của cuộc đời không thể lấy được ở bà là nụ cười hồn hậu. Trong căn nhà chật hẹp, chẳng có vật gì đáng giá, bà “đãi” khách bằng nụ cười vô giá ấy. Bà khoe cuốn ảnh: “Những mảnh ghép tương phản” do anh Rehahn tặng, rồi chỉ vào tấm hình bà đang cười rạng ngời và bắt đầu kể.
Mùa hè năm 2011, trên bến sông Thu Bồn, bà đã gặp Rehahn và mời anh lên thuyền ngắm cảnh. Không biết tiếng Tây, bà lấy nụ cười để giao lưu cùng du khách. Bà đâu biết rằng nụ cười của mình đã gây ấn tượng sâu sắc với Rehahn. Bức ảnh về bà Hai Xong với “nụ cười ẩn giấu”đã được Rehahn đăng trên tạp chí du lịch hàng đầu của Pháp, sau đó đã có một hành trình trải dài qua hơn 40 quốc gia, được giới thiệu trên nhiều kênh truyền hình, báo chí quốc tế. Đầu năm 2016, Rehahn quyết định trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam như một cách để gửi lời cảm ơn những người phụ nữ và đất nước Việt Nam bởi đất và người nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng cho những bức ảnh giàu giá trị nhân văn của anh. Vợ chồng bà Hai Xong cũng vinh dự có mặt tại Hà Nội để dự buổi lễ trao tặng này.
Từ khi bức ảnh được cả thế giới biết đến, cuộc sống của vợ chồng bà như bước sang trang mới. Không chỉ có một người bạn quốc tế là Rehahn, vợ chồng bà còn được nhiếp ảnh gia tặng một chiếc thuyền mới để mưu sinh. Thỉnh thoảng, Rehahn đến thăm vợ chồng bà và dẫn theo khách du lịch. Du khách gần xa mỗi lần đến Hội An đều tìm đến con thuyền của vợ chồng bà. Những chuyến đò của bà vì thế mà đều đặn, thường xuyên hơn mỗi ngày. Với bà, thế là đủ cho một cuộc sống bình dị. “Mình nghèo nhưng vui con ạ” - bà bảo. Triết lý sống ấy theo bà suốt cả cuộc đời để giờ đây, ở tuổi chiều tà bóng xế, bà chẳng mơ ước cao sang, chỉ mong có sức khỏe để hằng ngày vẫn được khua nhịp mái chèo và cười vui hồn hậu cùng du khách.
4. Tôi đã đến Hội An để chiêm ngưỡng những nụ cười và cảm nhận vị dịu ngọt trong từng câu nói của những người lao động bình dân giữa lòng phố cổ. Với tôi, nụ cười của bà Hai Xong, hay cử chỉ và lời dặn dò của bà bán hàng rong và chị Tinh An là món quà tinh thần vô giá trong hành trình trở lại Hội An lần này. Những lời nói và nụ cười ấy đã góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của đất và người xứ Quảng. Tôi chợt nhớ đến thông điệp sau buổi đi bộ bất ngờ trên phố cổ Hội An của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8/2016: Mỗi người đều có thể góp phần làm đất nước đẹp hơn trong mắt du khách và nhiều khi, chỉ cần một nụ cười. “Thế giới luôn tươi sáng đằng sau những nụ cười” và đôi khi giữa dọc đường mưa gió, chỉ cần nụ cười hay lời mời ngọt ngào cũng đủ đọng lại trong lòng du khách hình ảnh một Hội An - một Việt Nam mến khách.