Kết thúc năm 2016, số người tham gia BHYT trên cả nước là 75,8 triệu người, đạt 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng mừng hơn khi Nghị quyết số 21-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 80% dân số tham gia BHYT song kết thúc năm 2016, tỷ lệ tham gia đã vượt chỉ tiêu này.
Nhiều quy định mới về mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT trong Dự thảo Nghị định 105 sửa đổi. Ảnh TK
Chia sẻ thêm về kết quả này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, với việc điều chỉnh chỉ tiêu về phát triển BHYT của Chính phủ, nâng mục tiêu trước 2020 phải bao phủ BHYT trên 90% là một nhiệm vụ đầy thách thức với ngành BHXH, bởi mỗi phần trăm tăng thêm tương đương hàng triệu người tham gia mới. Trong khi đó, số người chưa tham gia thuộc các nhóm đối tượng rất khó để phát triển. Tuy nhiên, hết năm 2016, tỷ lệ BHYT bao phủ vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là một kết quả thành công lớn của toàn ngành BHXH.
Từ thành công này, lãnh đạo BHXH Việt Nam nhận định, với sự chủ động của ngành, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đến năm 2020, chúng ta sẽ đạt chỉ tiêu trên 90% dân số tham gia BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo tính bền vững của các nhóm tham gia BHYT; làm sao để đạt được sự công bằng, đúng nguyên lý BHYT xã hội trong thụ hưởng chính sách? Làm sao để quản lý chặt chẽ, hiệu quả Quỹ BHYT, đồng thời tạo điều kiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT thuận lợi nhất cho cơ sở KCB?... là những câu hỏi đặt ra đòi hỏi các cơ quan thực hiện chính sách BHYT phải nỗ lực hơn nữa - Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Đứng trước thách thức trên, cùng với việc tăng cường phối hợp, tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã, đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BHYT. Theo đó, Nghị định 105/2014/NĐ-CP (Nghị định 105) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, đảm bảo tính bền vững của phát triển đối tượng, nguyên lý số đông và tính công bằng trong đóng -hưởng. Việc sửa đổi Nghị định trên cũng giúp tăng cường quản lý Quỹ BHYT, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các cơ sở KCB. Đồng thời đưa ra phương thức thanh toán đảm bảo tính khả thi, chủ động hơn cho các cơ sở KCB BHYT.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định 105 sửa đổi có những điều khoản quy định cụ thể việc mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT. Cụ thể, về đối tượng tham gia BHYT, có thêm các đối tượng người lao động là người nước ngoài đang hưởng lương tại Việt Nam, dân công hoả tuyến, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, người nhiễm HIV/ADIS, thân nhân của cán bộ công chức, viên chức trong lực lượng vũ trang được bổ sung vào đối tượng tham gia BHYT. Năm 2018, NSNN sẽ tăng mức hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: Hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ BHYT, học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50%, người làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp được hỗ trợ 50%; tham gia BHYT theo hộ gia đình không bắt buộc tất cả các thành viên cùng tham gia một lúc. Thông tin trên thẻ BHYT sẽ cụ thể hơn và có ảnh của chủ thẻ BHYT. Nghị định cũng quy định rõ về chuyển tuyến, vận chuyển người bệnh theo hướng mở rộng quyền lợi cho người bệnh; trang bị tủ thuốc cho chủ tàu đánh bắt cá xa bờ; mở rộng quyền lợi cho trẻ điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đối với trẻ em dưới 6 tuổi…/.
ĐĂNG KHOA