
Nhận diện thách thức, áp lực
Điểm nhấn trong báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, đó là tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021-2025, thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá, tình hình thế giới chứng kiến sự pha trộn giữa những tín hiệu có phần tích cực về tăng trưởng kinh tế ở một số khu vực và những thách thức lớn từ chiến tranh thương mại toàn cầu, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự kéo dài; xu hướng bảo hộ thương mại, điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế đang phục hồi tích cực nhưng còn tiềm ẩn nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định vĩ mô và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 dù tích cực song chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên (bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%). Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực (doanh thu bán lẻ hàng hóa nếu loại trừ yếu tố giá ước chỉ tăng khoảng 5,6% trong quý I/2025). Khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, trung bình mỗi tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi lưu ý.
Thêm nữa, tiến độ giải ngân đầu tư công dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng; xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn.
Chính phủ cũng nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều rủi ro; điều hành tỷ giá đối mặt với sức ép lớn do nguy cơ suy giảm thặng dư thương mại, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
“Những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, lại có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tính cạnh tranh chưa cao” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Kỳ vọng những bứt phá…
Trong bối cảnh đầy biến động, thách thức, Chính phủ đặt ra hàng loạt các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%; điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4-4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch…
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ khẳng định quyết tâm thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH.
Đơn cử, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha. “Xử lý được các dự án này sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình hình lãng phí. Vừa qua, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt. Đây là nguồn lực rất lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Hay mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thúc đẩy khu vực này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, với các giải pháp tổng thể, liên ngành. Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội ban hành một nghị quyết để xây dựng khung thể chế, làm cơ sở thực thi các giải pháp. “Cải cách thể chế là giải pháp cốt lõi. Quốc hội sẽ đưa các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW vào sửa đổi luật ngay tại Kỳ họp thứ 9, đảm bảo triển khai nhanh chóng và hiệu quả, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” - ông Phan Đức Hiếu - đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết.
Khi các điểm nghẽn được tích cực tháo gỡ, cùng với việc hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để” sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo./.