Kinh tế tư nhân trước bước ngoặt lịch sử

(BKTO) - Nếu giai đoạn đầu Đổi mới, kinh tế tư nhân (KTTN) chỉ giữ vai trò thứ yếu, thì nay, khu vực này đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN. Tuy vậy, bên cạnh việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện, đột phá để KTTN bứt phá và phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên mới.

10.jpeg
KTTN được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh họa

Bài 1: Sứ mệnh trong kỷ nguyên mới

Cùng với tiến trình Đổi mới, khu vực KTTN đã không ngừng phát triển và có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, hơn lúc nào hết, tiềm năng của KTTN cần được khơi dậy để phát triển mạnh mẽ và gánh vác sứ mệnh hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.

Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Tư duy phát triển KTTN ở Việt Nam gắn liền với tư duy phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đại hội VI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới về sở hữu, thành phần kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đại hội VII của Đảng chính thức coi KTTN là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển.

Tư duy đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ thể hiện sự trưởng thành về nhận thức trong Đảng, mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng DN, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân: Nhà nước sẽ là kiến tạo, DN là trung tâm, phát triển KTTN là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Qua gần 40 năm Đổi mới, điểm nhấn quan trọng trong phát triển KTTN nhìn từ chủ trương, quan điểm của Đảng chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về vai trò và vị thế của KTTN. KTTN từ chỗ không được thừa nhận (trước Đổi mới) đến được thừa nhận và khẳng định “có vị trí quan trọng lâu dài” trong nền kinh tế nhiều thành phần (Đại hội IX); “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X, XI); “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII, XIII).

Đặc biệt, tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên, Trung ương đã ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển KTTN - Nghị quyết số 10-NQ/TW - với mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật về KTTN liên tục được hoàn thiện. Nổi bật là quyền và mức độ tự do kinh doanh ngày càng mở rộng cùng với việc thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; ngành, lĩnh vực cấm kinh doanh và giảm thiểu điều kiện kinh doanh. Hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, các phiên bản Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư đã có những điều chỉnh đột phá. Từ chỗ chỉ được kinh doanh những gì Nhà nước cho phép (Luật DN 1999), đến kinh doanh những gì pháp luật không cấm nhưng phải đăng ký (Luật DN 2005) và kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm (Luật DN 2014, 2020…). Giới chuyên gia đánh giá, những thay đổi to lớn và có tính đột phá này đã tác động mạnh mẽ đến sự gia nhập thị trường của các chủ thể KTTN.

Thêm vào đó, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được ban hành và triển khai quyết liệt mỗi năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN hoạt động, cùng với các chính sách về tài khóa, tín dụng… đã trợ lực để các chủ thể KTTN trụ vững trên thị trường.

Đặc biệt, khu vực KTTN đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN, trong đó khẳng định, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, đây là bước tiến đột phá về tư duy phát triển khi lần đầu tiên “KTTN được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”.

Đóng góp ngày càng lớn

Nhờ những chuyển biến mạnh mẽ trong quan điểm, nhìn nhận, đánh giá về vị trí, vai trò của KTTN, cùng sự đổi mới về cơ chế, chính sách, KTTN đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm dẫn con số khu vực KTTN hiện có hơn 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động - và bình luận, đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. KTTN đang đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm cho khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.

Trong bài viết “Kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: KTTN không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều DN tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng, nếu có môi trường phát triển thuận lợi, DN Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

TS. Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - bình luận, trong khi hơn 5 triệu hộ kinh doanh là nguồn sinh kế của hàng chục triệu gia đình và là “cỗ máy cái” sản sinh của cải, dịch vụ cho xã hội thì khối DN tư nhân cũng vươn lên thành lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn cho sự phồn vinh của đất nước. Khu vực KTTN cũng tích cực tham gia giữ nước bằng sức mạnh kinh tế trong thời bình, thể hiện qua nỗ lực giữ vững thị phần nội địa, vươn ra chinh phục thị trường thế giới và có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội.

Theo đánh giá của Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, KTTN đã phát triển rộng khắp các ngành, lĩnh vực, địa bàn và bước đầu hình thành một số tập đoàn, DN tư nhân lớn, tham gia trực tiếp xây dựng nhiều công trình hạ tầng quy mô rất lớn, phức hợp như cầu cảng, sân bay, đường cao tốc… góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước.

Phân tích về lợi ích cho đất nước, lợi ích cho DN, chuyên gia kinh tế - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với việc các tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, KTTN còn giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực và san sẻ gánh nặng đầu tư từ ngân sách… Nhờ lợi thế không bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý phức tạp như khu vực DN nhà nước nên khu vực tư nhân thường có khả năng tối ưu hóa nguồn lực tốt hơn, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) thường cao hơn.

Dù đóng góp ngày càng lớn, song KTTN vẫn phải đối mặt với nhiều “rào cản” kìm hãm sự phát triển, chưa thể bứt phá trong giai đoạn vừa qua. Vấn đề này sẽ tiếp tục được Báo Kiểm toán thông tin ở kỳ tiếp theo.../.

Cùng chuyên mục
  • Không để “nguồn lực vàng” bị lãng phí
    22 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Cuộc tổng kiểm kê tài sản công quy mô toàn quốc không chỉ là “phép thử” về năng lực quản lý mà còn là cơ hội để rà soát, sắp xếp và tái cấu trúc nguồn lực công một cách thực chất, hiện đại và minh bạch, tạo thêm nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước (KTNN) được kỳ vọng sẽ giúp nhận diện rõ những điểm nghẽn trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài sản công, không để “nguồn lực vàng” bị lãng phí.
  • Thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt-Nga và hợp tác Vùng Volgograd nhân dịp kỷ niệm 80 năm “Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 6/5/2025 tại Volgograd, Liên bang Nga, trong không khí hào hùng của lễ kỷ niệm 80 năm “Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945)”, đoàn sinh viên thuộc Hội Sinh viên Việt Nam tại Volgograd đã tham gia buổi lễ dâng hoa tại đài tưởng niệm Ngọn lửa Vĩnh cửu ở trung tâm thành phố.
  • Tăng cường hợp tác, vì sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân
    hôm qua Doanh nghiệp
    Ngày 5/5, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần FECON đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai doanh nghiệp.
  • Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh
    hôm qua Kinh tế
    (BKTO) - Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những mảng “màu tối” mà các địa phương cần tiếp tục cải thiện để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
  • THACO: Sản xuất kinh doanh song hành với trách nhiệm xã hội
    hôm qua Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong hành trình gần 28 năm phát triển, THACO luôn kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, trong đó sản xuất kinh doanh (SXKD) luôn song hành cùng trách nhiệm xã hội (TNXH). Với THACO, thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đo bằng doanh thu hay lợi nhuận, mà còn ở những giá trị nhân văn, lan tỏa đến cộng đồng, đất nước.
Kinh tế tư nhân trước bước ngoặt lịch sử