Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: H. NHUNG |
Đề tài do ThS. Đinh Văn Dũng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - làm chủ nhiệm.
Theo Ban Đề tài, để có thể giảm thiểu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường công nghiệp, đặc biệt là ô nhiễm nước thải công nghiệp (NTCN) tới sức khỏe người dân, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường (KTMT) chuyên đề về hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế nhằm giúp Quốc hội và Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, KTNN mới xây dựng hướng dẫn/quy trình KTMT chung mà chưa có quy trình KTMT cho từng lĩnh vực môi trường cụ thể, đặc biệt là quy trình KTMT đối với công tác quản lý và xử lý nước thải KCN.
Thực tế cho thấy, KTMT bao gồm nhiều lĩnh vực và khía cạnh môi trường khác nhau, mỗi lĩnh vực, khía cạnh khác nhau lại có những đặc trưng riêng. Do đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc kiểm toán, cần thiết phải xây dựng các hướng dẫn/quy trình KTMT theo từng lĩnh vực cụ thể.
Xuất phát từ thực trạng trên, Đề tài tiến hành phân tích các hoạt động quản lý và xử lý NTCN tại các KCN Việt Nam, phân tích thực trạng các hoạt động kiểm toán công tác quản lý và xử lý NTCN tại Việt Nam và thế giới để xây dựng “Quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý NTCN tại các KCN” nhằm nâng cao hiệu quả khi tiến hành triển khai, thực hiện các cuộc kiểm toán quản lý và xử lý nước thải tại các KCN.
Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: H. NHUNG |
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Cơ sở lý luận về NTCN và kiểm toán NTCN tại các KCN; Chương II: Thực trạng công tác kiểm toán NTCN tại Việt Nam và một số nước trên thế giới; Chương III: Quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý NTCN tại các KCN.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá việc nghiên cứu Đề tài là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn cao. Đề tài có khả năng ứng dụng, vận dụng ngay trong thực tế kiểm toán; đồng thời, cung cấp thêm tư liệu cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các đơn vị được kiểm toán tham khảo để triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường KCN, khu kinh tế hiệu quả hơn.
Với mong muốn Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung thực trạng của hoạt động kiểm toán công tác quản lý và xử lý NTCN tại KTNN trên các khía cạnh: Tổ chức và triển khai thực hiện, các quy trình/hướng dẫn kiểm toán hiện nay, nguồn nhân lực, chuyên gia, tổ chức bộ máy…
Từ đó, Đề tài cần rút ra những kết quả đạt được, hạn chế, bài học kinh nghiệm (nếu có) làm cơ sở đề xuất giải pháp, trong đó đề xuất xây dựng Hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Đề tài cần bổ sung khái niệm kiểm toán NTCN, khối lượng NTCN đã xử lý, chưa xử lý tại các KCN nói chung và tác động trong những năm gần đây qua một số sự cố môi trường; bổ sung các loại hình kiểm toán thường áp dụng khi kiểm toán việc quản lý và xử lý NTCN; tóm tắt ngắn gọn bài học kinh nghiệm về kiểm toán NTCN của các nước…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Ảnh: H. NHUNG |
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài. Đây là Đề tài có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, kết cấu đề tài hợp lý.
Đề tài đã hệ thống những cơ sở lý luận về NTCN và kiểm toán NTCN tại các KCN, phân tích và đánh giá thực trạng công tác kiểm toán NTCN tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, từ đó đưa ra quy trình kiểm toán công tác quản lý và xử lý NTCN tại các KCN.
Để hoàn thiện Đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài, đảm bảo chất lượng và tính khoa học của công trình nghiên cứu; xác định rõ mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu phù hợp.
Trong đó, Ban Đề tài lưu ý bổ sung khái niệm và phân loại về nước thải và NTCN theo các quy định của pháp luật tại Việt Nam; bổ sung đánh giá toàn diện những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, công tác triển khai thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung các nội dung về thực trạng công tác kiểm toán quản lý và xử lý NTCN tại KTNN; định hướng, giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý NTCN, trên cơ sở đó xây dựng Hướng dẫn, cách tiếp cận hay loại hình kiểm toán áp dụng để xây dựng quy trình kiểm toán.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.