- Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động du lịch trên nhiều lĩnh vực, được triển khai trong nhiều năm, bao gồm: Dự án hỗ trợ cho chương trình “Sáng kiến đối với việc hội nhập ASEAN” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức tài trợ; hỗ trợ của UNESCO đối với sự phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế; “Liên minh Vịnh Hạ Long”- sáng kiến bảo tồn và gìn giữ Vịnh Hạ Long của Hiệp hội quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên. Một số dự án nước ngoài của Nhật Bản, Úc, Ngân hàng Phát triển châu Á… dành nguồn vốn viện trợ phát triển cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tiêu biểu nhất phải kể tới Dự án “Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (Dự án EU-ESRT) do Liên minh châu Âu tài trợ được triển khai hơn 12 năm qua với số vốn tài trợ lên tới 20 triệu Euro.
Có thể thấy, sự hỗ trợ liên tục và mạnh mẽ những năm qua của các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế đã giúp ngành Du lịch tháo gỡ nhiều thách thức để phát triển và hội nhập, nhất là khi nguồn đầu tư trong nước cho du lịch còn thấp, lại bị sử dụng dàn trải, khó tập trung. Bên cạnh đó, việc tài trợ cho Việt Nam thông qua các dự án cụ thể, thiết thực với sự tư vấn, vào cuộc của các chuyên gia nghiên cứu du lịch trên thế giới đã hỗ trợ nhiều kinh nghiệm đáng quý cho du lịch Việt Nam.
+ Bên cạnh những tác động tích cực đó thì việc triển khai các dự án tài trợ cho du lịch Việt Nam hiện nay còn những vấn đề gì cần quan tâm đặt ra, thưa ông?
- Những tác động tích cực từ các dự án nước ngoài tài trợ tới du lịch Việt Nam đã thấy rõ, tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng nhiều dự án tài trợ triển khai theo hướng mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, hiện chưa có một cơ quan, tổ chức nào giữ vai trò điều phối, tổng hợp kết quả, chia sẻ kiến thức cho các dự án sau để kế thừa và phát triển những kết quả đã thực hiện. Trừ các dự án tài trợ lớn được thỏa thuận từ cấp Chính phủ, phần lớn các dự án khác đều là kết quả từ sự chủ động kết nối của các tổ chức quốc tế với địa phương hoặc ngược lại, dựa trên tình hình cụ thể. Do đó, mới đây Dự án EU-ESRT đã tổ chức hội thảo với những nhà tài trợ quốc tế nhằm phối hợp hành động cho du lịch Việt Nam, từ đó xác định vai trò và trách nhiệm của từng bên liên quan, thống nhất về cơ chế hợp tác để tránh bị trùng lặp hoạt động và lãng phí nguồn lực, bảo đảm đạt được các mục tiêu chung.
Trên cơ sở này, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây, Tổng cục Du lịch cũng sẽ xúc tiến chủ trì thực hiện một diễn đàn du lịch quốc tế nhằm thu hút nhiều hơn các nguồn tài trợ quốc tế cho du lịch Việt Nam và kết nối các nhà tài trợ lớn.
+Thị trường du lịch Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển, nhưng vì sao suốt nhiều năm qua, những tiềm năng vẫn chưa được đánh thức?
- Theo đánh giá của các nhà tài trợ nước ngoài, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, kết quả hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh còn thấp, vẫn tồn tại nhiều yếu kém, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nguyên nhân đưa đến thực trạng trên thì có nhiều, song cơ bản nhất vẫn là sự liên kết còn yếu và thiếu tính đồng bộ ở tất cả các khâu. Mặt khác, các mối quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước chưa được khai thác một cách hiệu quả. Đặc biệt, mối liên kết hợp tác giữa ngành Du lịch và các ngành liên quan, giữa các địa phương vẫn tồn tại hiện tượng cục bộ theo nhóm lợi ích, do vậy việc phát triển du lịch chưa đạt chất lượng chưa cao.
Với chính sách ngoại giao rộng mở, Việt Nam tăng cường quan hệ ngoại giao song và đa phương, thông qua đó để phát triển kinh tế - văn hóa, đồng thời góp phần không nhỏ cho phát triển ngành Du lịch. Cơ hội luôn đi cùng với những thách thức, do đó, ngay từ lúc này ngành Du lịch cần phải khai thác và phát huy hơn nữa hiệu quả từ nguồn vốn tài trợ để phát triển hoạt động du lịch, đặc biệt là nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong thời kỳ mới.
NGUYỄN LỘC (thực hiện)