Huy động tốt các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục mầm non

(BKTO) - Đây là nội dung trọng tâm được các đại biểu cho biết tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 đề án đối với giáo dục mầm non là Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030”; Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 22/9.



                
   

Quang cảnh hội thảo. Moet.gov.vn

   

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương; một số cơ quan của Quốc hội; Chính phủ; Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Sở GD&ĐT; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Theo Bộ GD&ĐT, Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030” đặt ra các mục tiêu chung là nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ở mọi vùng, miền đều được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục…

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030.

Trong khi đó, Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030” có mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo. Tăng cường cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT Nguyễn Bá Minh cho rằng, phát triển giáo dục mầm non đang đặt ra nhiều thách thức. Việc xây dựng kế hoạch với những lộ trình, giải pháp cụ thể sẽ góp phần từng bước củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục.

Các đại biểu cũng cho rằng, đây là hai đề án quan trọng, khi được thực hiện sẽ là đòn bẩy để giúp giáo dục mầm non phát triển, bắt kịp các bậc học khác. Từ đó, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, như: các đề án cần có chính sách thu hút đào tạo giáo viên mầm non; hỗ trợ giáo viên giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số mà không phải là vùng khó khăn; bổ sung các chính sách cho trẻ mầm non; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục mầm non…
         
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để thực hiện được hai đề án cần phải huy động các nguồn lực xã hội một cách hợp lý và cần có tính kết nối các nguồn lực một cách tốt nhất. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội, các Bộ, ngành và các địa phương cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình một cách tổng thể.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Huy động tốt các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục mầm non