Quang cảnh Hội nghị giao ban toàn tỉnh Nghệ An về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Ảnh: nghean.gov.vn |
Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10/9/2022, nguồn vốn đầu tư công tỉnh quản lý mới chỉ giải ngân được 29,74% kế hoạch.
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 369,6 tỷ đồng, đạt 23,72% kế hoạch; ngân sách Trung ương đã giải ngân hơn 1.749 tỷ đồng, đạt 31,43% kế hoạch; ngân sách địa phương các năm trước kéo dài sang năm 2022 đã giải ngân hơn 360,6 tỷ đồng, đạt 63,27% kế hoạch. Kết quả tổng hợp cho thấy, 15/30 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được các cơ quan, đơn vị chỉ ra là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, xi măng dẫn đến phải điều chỉnh dự án làm mất thời gian hoặc thi công cầm chừng chờ điều chỉnh giá.
Đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới, quy trình thực hiện các bước lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và đấu thầu mất nhiều thời gian nên tiến độ chậm hơn. Tương tự, các dự án ODA cũng mất nhiều thười gian để hoàn thiện thủ tục và xin ý kiến của nhà tài trợ đối với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như công tác đấu thầu nên mất nhiều thời gian hơn so với các dự án trong nước.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát... chưa đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cam kết sẽ cơ bản hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công trước 30/12/2022.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, đưa tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công thành tiêu chí thi đua khen thưởng hằng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án; tham mưu cho tỉnh thay thế các chủ đầu tư năng lực hạn chế, thấp, không có khả năng thực hiện dự án. Đồng thời, phối hợp với các ngành để giao kế hoạch chi tiết thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 30/9. Tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng. Các sở chuyên môn tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương trong công tác thẩm định các dự án đầu tư. Các chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ...
Đặc biệt, các chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu có năng lực từ khâu lập dự án, tư vấn lập dự án, thiết kế dự án, rà soát tiến độ giải ngân dự án hàng tuần, hàng tháng... Nhà thầu năng lực yếu phải được thay thế để đảm bảo tiến độ dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành để nghiên cứu, hướng dẫn chủ đầu tư dự án trong việc thực hiện tạm ứng nguồn vốn dự án.
Đối với việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, các địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 sát với thực tế để đăng ký nhu cầu vốn. “Ngành nào, địa phương nào, chủ đầu tư nào giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 không đạt yêu cầu, thấp thì sẽ xem xét việc giảm bố trí vốn năm 2023 hoặc dừng bố trí vốn năm 2023” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh./.
THÙY LÊ