Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Xác định Chương trình 1719 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS, huyện Mộc Châu đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo động lực giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trên địa bàn huyện có 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 05 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn gồm dân tộc Mông, Dao, Xinh - Mun, Khơ Mú, Mường và 01 dân tộc có khó khăn đặc thù đó là dân tộc La Ha; có 44 bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy Ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025…
Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, trong năm 2022, huyện được phân bổ trên 29 tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án thành phần.
Xác định cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, huyện Mộc Châu đã dành 10 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo dưỡng các hạng mục cơ sở hạ tầng như công trình đường giao thông nông thôn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình thủy lợi nhỏ; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại các xã, bản đặc biệt khó khăn…
Từ nguồn lực đầu tư, trong năm 2022, huyện đã tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ 04 công trình giao thông cho 03 xã khu vực, nâng cấp, sửa chữa 08 công trình cơ sở hạ tầng cho các bản đặc biệt khó khăn 08 xã khu vực I, khu vực II và duy tu bảo dưỡng 11 tuyến đường giao thông đi đến khu sản xuất của các bản đặc biệt khó khăn; xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch…
Cập nhật kết quả cho đến nay, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu Hà Mạnh Cường cho biết, 100% tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 90% tỷ lệ, thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 72,46% tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố; 99,47% tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% tỷ lệ người đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình; 99,3% tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe phát thanh.
“Cơ sở hạ tầng được đầu tư góp phần giảm khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống tinh thần thông qua việc đầu tư thiết chế văn hóa cho đồng bào DTTS cũng được quan tâm” - ông Cường cho biết.
Chú trọng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc
Là một trong những xã tập trung đông đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Thái chiếm 63,8%, xã Mường Sang (huyện Mộc Châu) đã tập trung chăm lo tốt đời sống cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thắng, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc đã từng bước vươn lên thoát nghèo, tương trợ giúp nhau cùng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
“Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, đồng bào yên tâm lao động sản xuất và tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua yêu nước ở địa phương” - ông Thắng nói; đồng thời cho biết thêm, xã đã phân công các tổ, nhóm theo sát những trường hợp hộ nghèo trên địa bàn để xác định nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp hỗ trợ bà con thoát nghèo.
Công tác chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS tại Mường Sang cũng phản ánh không khí chung của huyện Mộc Châu trong vấn đề này. Là một huyện miền núi với nhiều dân tộc cùng chung sống, công tác dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên. Theo đó, tổng số hộ nghèo năm 2022 trên địa bàn huyện là 1.289 hộ; giảm 183 hộ so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện giảm còn 4,32%.
Ngoài việc chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, giúp địa phương nhìn nhận và chấn chỉnh những bất cập; thông qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi chính sách, quy định còn bất cập, từ đó tạo thuận lợi trong việc triển khai khai thực hiện các chương trình mục tiêu. Chúng tôi mong muốn Kiểm toán nhà nước sẽ tăng cường hơn nữa các cuộc kiểm toán về thực hiện chương trình này, đặc biệt là công tác giảm nghèo để giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu Hà Mạnh Cường
Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện luôn chú trọng việc bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm 2023 huyện đã phê duyệt hỗ trợ 283 hộ, với tổng số tiền hỗ trợ 11.320 triệu đồng.
Đồng thời, huyện cũng triển khai tốt chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân 6.708 triệu đồng cho 112 hộ vay vốn.
Đặc biệt, ông Cường cho biết, việc sử dụng nguồn lực dành cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng DTTS, miền núi tại huyện nói chung, dành cho đối tượng đồng bào DTTS nói riêng được huyện sử dụng cơ bản đúng mục đích, hiệu quả. “Điều này đã được thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán và qua công tác giám sát, đánh giá của các cơ quan chức năng thời gian qua” - ông Cường cho biết./.