Quảng Nam: Phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đã thay đổi đáng kể và có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực.

quang-nam.jpg
Quảng Nam đã có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ảnh: TS

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến đầu tư hơn 6.251 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đến thời điểm này, hệ thống cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh đã có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 60,62%. Trong 2 năm 2021 và 2022, Quảng Nam giảm thêm 7.137 hộ nghèo, vượt 2.137 hộ so với kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên, Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thường xuyên đối phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác nên rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi… Do đó, việc triển khai để đạt được đầy đủ và bền vững các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia là một thách thức lớn.

Để các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao hơn nữa, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra mới đây, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực hiện đánh giá các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện đối với các nội dung nâng cao, kiểu mẫu để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh có điều kiện xây dựng cơ chế lồng ghép. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng mã số các Chương trình mục tiêu quốc gia khi lồng ghép nguồn các chương trình vào một công trình, dự án…

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán tại Quảng Nam để thực hiện 2 cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành: Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022.

Kiểm toán nhà nước cũng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Quảng Nam và kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 của Tỉnh ủy và Công an tỉnh./.

Cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia