IFRS 15 và những lưu ý đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ

(BKTO) - Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế 15 - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng (IFRS 15) đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong hồ sơ theo dõi và các chính sách ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp (DN). Trong đó, các DN kinh doanh dịch vụ cần xác định nghĩa vụ tương ứng với các dịch vụ riêng biệt hay một tổ hợp các dịch vụ khác nhau trong mỗi hợp đồng để làm căn cứ ghi nhận doanh thu.



5 bước để đo lường và ghi nhận doanh thu

IFRS 15 được xây dựng theo hướng ghi nhận doanh thu phù hợp và đúng bản chất của các giai đoạn trong quá trình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của DN. Theo đó, Chuẩn mực này yêu cầu các báo cáo kinh doanh phải có thông tin về bản chất, số lượng, thời gian, sự không chắc chắn của doanh thu và dòng tiền từ hợp đồng với khách hàng.

Cụ thể, mô hình 5 bước để đo lường và ghi nhận doanh thu theo IFRS 15 như sau:
Bước 1 - Xác định hợp đồng với khách hàng, yêu cầu hợp đồng phải được các bên phê duyệt; xác định được các quyền liên quan đến hàng hóa và dịch vụ được chuyển giao; xác định được các điều khoản thanh toán; hợp đồng có bản chất thương mại; nhiều khả năng sẽ thu được các khoản thanh toán đổi lấy hàng hóa và dịch vụ.

Bước 2 - Xác định các nghĩa vụ riêng biệt trong hợp đồng: Doanh thu được ghi nhận khi nghĩa vụ được thực hiện bằng cách chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết với khách hàng (khách hàng có được quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ đó). Trong đó, IFRS 15 đoạn 22 quy định một hàng hóa hoặc dịch vụ là riêng biệt nếu đáp ứng cả 2 điều kiện: Khách hàng có thể tự mình hoặc kết hợp với các nguồn lực sẵn có khác để hưởng lợi ích từ hàng hóa và dịch vụ; cam kết chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ của đơn vị có thể xác định một cách riêng biệt với các cam kết khác trong hợp đồng.

Bước 3 - Xác định giá giao dịch trong hợp đồng là giá trị của khoản thanh toán mà một DN kỳ vọng được hưởng trong việc trao đổi để chuyển giao các hàng hóa hoặc dịch vụ được cam kết đến một khách hàng; loại trừ các giá trị thu hộ các bên thứ ba (chẳng hạn như một số loại thuế bán hàng); có thể là các giá trị cố định, biến đổi, hoặc cả hai; được điều chỉnh giá trị theo thời gian của tiền tệ.

Bước 4 - Phân bổ giá giao dịch cho các nghĩa vụ trong hợp đồng: Doanh thu được ghi nhận dựa trên giá giao dịch phân bổ cho từng nghĩa vụ thực hiện. Giá giao dịch phân bổ cho mỗi nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở của giá bán độc lập tương ứng của mỗi hàng hóa hoặc dịch vụ được cam kết riêng biệt.

Bước 5 - Ghi nhận doanh thu khi từng nghĩa vụ được thỏa mãn: Nghĩa vụ thực hiện được đáp ứng khi khách hàng đạt được quyền kiểm soát đối với hàng hóa hoặc dịch vụ. Quyền kiểm soát có thể được chuyển giao qua một thời kỳ, hoặc tại một thời điểm. Đơn vị cần xác định việc chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa dịch vụ qua một thời kỳ hay tại một thời điểm để từ đó ghi nhận doanh thu cho phù hợp.

Xác định nghĩa vụ tương ứng với các dịch vụ

Khi áp dụng IFRS 15, DN cần xác định thực thể và khách hàng liên quan, đồng thời phân bổ doanh thu cho các hàng hóa và dịch vụ khác nhau. IFRS 15 yêu cầu doanh thu từ hợp đồng phân bổ cho từng loại dịch vụ riêng biệt được quy định trên cơ sở giá bán độc lập tương đối. Hiện nay, nhiều DN kinh doanh dịch vụ thường sử dụng các dịch vụ tích hợp trong đơn hàng, vì vậy, họ cần xác định series hàng hóa dịch vụ riêng biệt được chuyển giao cho khách hàng theo cùng phương thức nếu thỏa mãn cả 2 điều kiện: Mỗi hàng hóa và dịch vụ riêng biệt trong các series là một nghĩa vụ được hoàn thành trong một khoảng thời gian; sử dụng cùng một phương pháp để đo lường mức độ hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao hàng hóa dịch vụ riêng biệt trong series cho khách hàng.

Với các khoản ứng trước của khách hàng hoặc các chi phí ban đầu khi khách hàng chi trả để trở thành thành viên trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thông thường bản thân các khoản này không đủ để chứng minh cho việc ghi nhận doanh thu trả trước. Tương tự, với các khoản phí bổ sung (phí liên quan đến các giao dịch), DN cần phải xem xét liệu những khoản phí đó có liên quan đến các dịch vụ riêng biệt hay không. Nếu chúng không tách biệt với dịch vụ ban đầu được cung cấp, DN buộc phải xem xét các dịch vụ tổng thể đã cung cấp cho khách hàng.

Với các chương trình khách hàng thân thiết được tích điểm khi mua hàng, sau một khoảng thời gian (ví dụ sau 24h, 40 ngày…), khách hàng sẽ dùng số điểm tích lũy trong thẻ sử dụng dịch vụ tiếp theo. Khi đó, IFRS 15 yêu cầu DN xác định rõ nghĩa vụ trong từng lần kinh doanh dịch vụ với khách hàng. Bên cạnh đó, các DN kinh doanh dịch vụ cần xem thêm những hướng dẫn về xây dựng định mức chi tiết trong nhiều lĩnh vực liên quan đến báo cáo doanh thu. Trên cơ sở đó, cân nhắc việc sửa đổi các chính sách kế toán đối với doanh thu của DN.

Việc áp dụng IFRS 15 có thể dẫn đến những thay đổi trong hồ sơ doanh thu và kéo theo những thay đổi trong ghi nhận chi phí. Vì vậy, DN cần có sự chủ động, lường trước những tác động đối với báo cáo tài chính và đào tạo nhân viên để đón nhận những sự thay đổi này. Đặc biệt, DN cần quan tâm tới chỉ số hiệu suất chính cùng các chỉ số quan trọng khác; hồ sơ thanh toán thuế, lợi nhuận chưa phân phối; các kế hoạch trả lương và tiền thưởng; thời gian đạt được mục tiêu và nguy cơ không tuân thủ các quy định./.
         
Theo IFRS 15, nghĩa vụ của DN trong từng lần kinh doanh dịch vụ với khách hàng, bao gồm: Nghĩa vụ về kinh doanh dịch vụ khách hàng sử dụng (ghi nhận doanh thu ngay sau khi xác định khối lượng dịch vụ khách hàng sử dụng không bao gồm phần được tích điểm); nghĩa vụ về việc phải thực hiện các dịch vụ mà khách hàng được tích điểm (khi nào khách hàng sử dụng thì DN mới ghi nhận doanh thu tương ứng).
​TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng
Cùng chuyên mục
IFRS 15 và những lưu ý đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ