Ông Chris Fabling- Chuyên gia cấp cao Ngân hàng Thế giới: Nâng tầm kiểm toán Việt trong hội nhập
Vừa qua, Việt Nam đã ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do và gia nhập AEC. Điều này sẽ gia tăng áp lực lên lĩnh vực kế toán, kiểm toán vì Việt Nam đang tham gia vào các thỏa thuận với các nước khác nên sẽ phải tuân theo những chuẩn mực có yêu cầu cao hơn.Kiểm toán Việt Nam đang có xu hướng tập trung vào việc tuân thủ các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Tuy nhiên, trình độ của các công ty kiểm toán Việt Nam còn hạn chế so với các công ty kiểm toán quốc tế. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế không hề đơn giản; các công ty kiểm toán quốc tế luôn phát triển và có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng kiểm toán, do vậy các công ty kiểm toán Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều để có thể theo kịp. Ngay trong khu vực ASEAN,
Việt Nam ở nhóm cuối cùng với Myanmar, Campuchia, Lào; đây là những nước phải cố gắng rất nhiều trong việc nâng cao năng lực kiểm toán. Ngân hàng Thế giới (WB) đang cố gắng làm việc với những nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN để tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cũng như trình độ năng lực kiểm toán, giúp các nước kém phát triển rút ngắn khoảng cách về trình độ kiểm toán.
Hiện nay, các công ty kiểm toán độc lập quốc tế ở Việt Nam đều có chất lượng cao, trong khi rất nhiều công ty trong nước lại đang phải vật lộn với thị trường. Để tiếp cận được trình độ kiểm toán quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập AEC, Chính phủ Việt Nam cần phải thực hiện chính sách mở cửa cho ngành kiểm toán hội nhập.Cần khuyến khích kiểm toán viên (KTV) các nước đến Việt Nam làm việc để nâng cao năng lực cạnh tranh và ngược lại. KTV Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các KTV ASEAN, điều quan trọng là họ phải thường xuyên nâng cao các kỹ năng kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Lưu ý, Chính phủ các nước khác có thể đặt ra các rào cản kỹ thuật, nhưng Việt Nam thì không cần thiết. Điều quan trọng là các công ty kiểm toán cũng như các KTV Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi cuộc cạnh tranh.
Quá trình hội nhập sẽ đi đôi với việc Việt Nam phải tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam phải tiến hành mọi việc cùng lúc mà cần có lộ trình từng bước một. Bộ Tài chính đã có kế hoạch cho lộ trình tiếp cận các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đặc biệt là giúp đỡ các công ty nhỏ trong nước trong việc tiếp cận nhanh các tiêu chuẩn, kỹ thuật quốc tế nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực và trình độ của các công ty kiểm toán Việt Nam.
Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam lẫn thị trường kiểm toán sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển. Khi kinh tế phát triển thì nhu cầu về kế toán, kiểm toán sẽ tăng cao. Điều đó mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các KTV và tạo thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính): Tiếp tục cải cách để hội nhập sâu rộng hơn
Năm 2016, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Theo đó, 2 Nghị định hướng dẫn Luật đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến ban hành trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 3 Thông tư hướng dẫn về quản lý nghề kế toán, cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN kế toán và cập nhật kiến thức đối với người hành nghề kế toán. Trong lĩnh vực kiểm toán, Nghị định 84/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên (KTV) hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng đã được ban hành ngày 01/7/2016. Trước đây, Thông tư của Bộ Tài chính quy định nội dung này, nhưng theo Luật DN mới thì các tiêu chuẩn, điều kiện phải được quy định ở cấp Chính phủ. Như vậy, năm 2016, khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán đã tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế.Thực hiện hướng dẫn tại Thông tư 157/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán đã tổ chức kiểm tra đối với 25 công ty kiểm toán. Qua đó cho thấy, các công ty kiểm toán đã có ý thức hơn trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; chất lượng kiểm toán được tăng cường. Tuy nhiên, hồ sơ kiểm toán cần hoàn thiện thêm để đáp ứng yêu cầu của chuẩn mực.
Việt Nam và các nước thành viên AEC đã nỗ lực tìm cách triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (MRA). Uỷ ban Điều phối kế toán viên chuyên nghiệp ASEAN (bao gồm đại diện các nước thành viên AEC) đã nhiều lần họp, thảo luận về Chứng chỉ kiểm toán viên (KTV) đạt tiêu chuẩn ASEAN (CPA ASEAN), tức là hình thành một chức danh nghề nghiệp để người có Chứng chỉ CPA ASEAN có thể dễ dàng di chuyển và hành nghề tại các nước. Đến nay, cách thức để các nước công nhận CPA ASEAN vẫn đang trong quá trình thảo luận. Nhưng, định hướng là sau khi bàn bạc thống nhất, hình thành được CPA ASEAN, các nước sẽ đi đến thỏa thuận song phương để công nhận lẫn nhau chứ chưa có thỏa thuận đa phương. Để đạt được thỏa thuận đa phương, các nước còn phải bàn thảo nhiều bởi trình độ phát triển kế toán, kiểm toán của các nước trong khu vực ASEAN là khác nhau, chưa có sự tương đồng.
Để thúc đẩy lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào khu vực ASEAN, tất cả cải cách đều hướng tới hội nhập, từ việc cập nhật chuẩn mực đến kiện toàn, xem xét lại vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ngay cả những chương trình học và thi cấp chứng chỉ cũng sẽ được xem xét lại, làm sao nội dung học và thi cấp chứng chỉ của Việt Nam phải khắc phục được những hạn chế đang tồn tại và phải được sự công nhận của khu vực. Đây là những việc mà Bộ Tài chính dự kiến triển khai trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Trong năm 2016, tôi không nhận thấy một sự thay đổi mang tính đột biến nào của thị trường kế toán, kiểm toán Việt Nam, mặc dù hội nhập khu vực đòi hỏi mỗi nước phải tuân thủ các quy định chung.
Tuy nhiên, năm qua, có một thay đổi mà các công ty kiểm toán, đặc biệt đối với công ty kiểm toán lớn, là bắt đầu áp dụng những yêu cầu từ phía Bộ Tài chính liên quan đến số lượng khách hàng niêm yết, khách hàng có lợi ích công chúng... Để thực hiện yêu cầu này, công ty kiểm toán lớn đã đầu tư, tập trung nhiều hơn vào mảng khách hàng trong nước. Ngoài ra, nhìn vào bức tranh tài chính kế toán Việt Nam trong năm qua có thể thấy nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam hơn. Cách nhìn nhận về hoạt động kinh tế, kế toán, kiểm toán cũng bị tác động ở bên ngoài nhiều hơn. Cùng với đó, yêu cầu phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế để nâng chất lượng kiểm toán nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường cũng được đặt ra đối với các công ty kiểm toán.
Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, vấn đề lớn nhất đặt ra đối với công ty kiểm toán nói chung và DN kiểm toán nhỏ và vừa nói riêng là làm sao đảm bảo môi trường hoạt động, đủ năng lực tài chính để duy trì, đào tạo được nhân viên hay là đưa ra ý kiến một cách độc lập đối với những vấn đề mà mình phát hiện ra và không chịu sự áp đặt hoặc đi theo yêu cầu của DN để duy trì khách hàng. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nghiên cứu để đưa ra các quy định đúng với bản chất của một giao dịch cụ thể, giúp DN kiểm toán tự chủ trong đánh giá bản chất giao dịch của mình và KTV có thể đưa ra ý kiến độc lập, chính xác về vấn đề đó mà không bị tác động bởi những cơ quan có yếu tố chính trị hay các yếu tố khác.
Năm 2017, điểm nhận thấy rõ ràng là các công ty kiểm toán lớn đang muốn mở rộng thị phần. Điều đó đặt ra yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán. Mặt khác, một thực tế là các DN tỷ đô vẫn mời những DN kiểm toán nhỏ và vừa để kiểm toán Báo cáo tài chính. Rõ ràng, người ta chưa thực sự đánh giá vai trò kiểm toán theo đúng nghĩa để bảo vệ cổ đông và các bên có liên quan trong sử dụng Báo cáo tài chính. Điều này có thể thay đổi. Thị trường tài chính Việt Nam càng hội nhập sâu rộng thì yêu cầu về chất lượng kiểm toán, tính độc lập của KTV càng phải được đề cao và đòi hỏi các DN kiểm toán phải chuyển đổi để hội nhập quốc tế. Để giúp DN kiểm toán vững vàng trong hội nhập, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) phải thực hiện giám sát mang tính thực chất hơn, góp phần minh bạch hóa thị trường kiểm toán và tạo điều kiện cho kiểm toán độc lập hội nhập và phát triển.