Kế toán và kiểm toán Việt Nam: 20 năm cải cách và hội nhập

(BKTO) - Hội thảo “Kế toán và kiểm toán Việt Nam: 20 năm cải cách và hội nhập” do Tạp chí Kế toán và Kiểm toán phối hợp với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Bộ, ngành liên quan, trường đại học, DN và các Hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 20 năm ngày phát hành số Tạp chí Kế toán và Kiểm toán đầu tiên; 20 năm áp dụng Hệ thống kế toán cải cách Việt Nam (1996-2016).




Tạp chí Kế toán và Kiểm toán vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập

Dấu ấn chặng đường 20 năm

Khái quát 20 năm vận hành hệ thống kế toán cải cách, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết: Năm 1996, hệ thống kế toán mới của kinh tế thị trường đã được thiết lập trên cơ sở vận dụng có chọn lọc nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ kế toán của các nước trên thế giới phù hợp với lộ trình cải cách thể chế, đổi mới nền kinh tế, đặc điểm, trình độ quản lý kinh tế, năng lực của kế toán và kiểm toán Việt Nam. Đến nay, trải qua 20 năm vận hành và phát triển, những vấn đề cốt lõi, ý tưởng chủ đạo của hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng chứng tỏ hướng đi đúng, bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của các nhà kế toán, kiểm toán Việt Nam.

“20 năm qua, hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam đã được cải cách, thay đổi với giá trị khoa học, tính thực tiễn, tính hiện đại ở nhiều nội dung” - TS. Trần Mạnh Dũng - Phó Giám đốc Chương trình đào tạo Viện Kế toán - Kiểm toán (Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội) nhắc lại đánh giá của PGS.TS Đặng Văn Thanh tại các cuộc Hội thảo trước đây.

Đồng thời, TS.Trần Mạnh Dũng nhận định thêm: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành khung pháp lý kế toán, trong đó đã xây dựng 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VASs) dựa trên các Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs) và phù hợp với thực tế của Việt Nam. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho sự cải cách toàn diện, sâu rộng hệ thống kế toán Việt Nam.

Những nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng đã được bà Trần Thiên Hương - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia) tại Việt Nam ghi nhận: Bộ Tài chính Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn trên hành trình hướng đến việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), giúp các nhà đầu tư toàn cầu nắm bắt được những thông tin cần tìm. Minh chứng là Luật Kế toán 2015 đã sửa đổi về lồng ghép kế toán dựa trên giá trị hợp lý và nguyên tắc kế toán “bản chất quan trọng hơn hình thức”, 2 yếu tố mấu chốt trong khuôn khổ IFRS. Cùng với một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã cam kết thay đổi Báo cáo tài chính theo IFRS trong tương lai gần.

Trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc tạo lập, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, hoạt động của dịch vụ kế toán Việt Nam đã ngày càng phát triển. “Chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện và hoạt động dịch vụ kế toán đã khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân” - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và đại lý thuế TAC Nguyễn Thúy Hồng nhận định.

Tiếp bước trên hành trìnhhội nhập

Trên chặng đường 20 năm vận hành và phát triển, bên cạnh những thành tựu nổi bật, hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đây chính là thách thức và đòi hỏi kế toán, kiểm toán Việt Nam phải tiếp tục cải cách để hội nhập.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã nỗ lực ban hành hệ thống khung pháp lý kế toán nhưng sự phù hợp với thông lệ quốc tế còn ở mức độ khiêm tốn. Đơn cử, theo TS. Trần Mạnh Dũng, VASs chưa được sửa đổi, cập nhật thường xuyên như IASs, nhiều chuẩn mực mới còn chưa được Việt Nam ban hành. Điều này khiến các DN FDI gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi phải lập tới 2 bộ Báo cáo tài chính, trong đó 1 bộ tuân theo IASs, 1 bộ tuân theo VASs và chế độ kế toán hiện hành để nộp cho các cơ quan có liên quan.

Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý kế toán, kiểm toán Việt Nam cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Bà Nguyễn Thúy Hồng khuyến nghị: Để có thể hội nhập tốt hơn vào sân chơi khu vực và quốc tế, DN cung cấp dịch vụ kế toán cần thiết phải được bổ sung, hoàn thiện quy trình và phương pháp cung cấp dịch vụ kế toán; đồng thời phải tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và từ các tổ chức nghề nghiệp.

Trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Đinh Thị Thúy kiến nghị, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kế toán, kiểm toán. Việc hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm toán, ban hành các văn bản pháp luật, biên soạn quy trình nghiệp vụ, tổ chức bộ máy kế toán phải hướng tới kế toán trên máy vi tính, kế toán sử dụng thống nhất các phần mềm chuẩn để mang lại lợi ích cao nhất trong điều hành quản lý kế toán và kiểm toán.

Trong hành trình hội nhập, nguồn nhân lực còn hạn chế cả về lượng và chất là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam. Ước tính, trong số 3.500 người được cấp Chứng chỉ Kiểm toán viên, số người có chứng chỉ hiện nay đang làm việc trong các DN kiểm toán chỉ chiếm khoảng 49% (1.714 người).

Từ năm 1991 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 140 người thi đạt Chứng chỉ Kiểm toán viên nhưng trong số đó, chỉ có 68 người tiếp tục hành nghề kiểm toán chuyên nghiệp. Từ thực tế này, TS. Phan Thanh Hải - Trưởng khoa Kế toán (Đại học Duy Tân - Đà Nẵng), cho rằng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP, AEC, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán tại các trường đại học, học viện, các cơ sở đào tạo phải thực sự được cải thiện để đáp ứng được kỳ vọng của DN, giúp DN kế toán, kiểm toán tự tin, vững vàng vươn ra biển lớn.
N.MAI - N.LỘC

Cùng chuyên mục
Kế toán và kiểm toán Việt Nam: 20 năm cải cách và hội nhập