Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 2012: Kỳ II “Vướng” trong thoái vốn đầu tư

(BKTO) - Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2012, hoạt động đầu tư tài chính vào DN khác tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn) hiệu quả còn thấp. Tuy nhiên, việc thực hiện thoái vốn của Tập đoàn lại rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi: thoái vốn thì “vướng” quy định mà không thoái vốn thì ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn.




Những khó khăn trong thoái vốn của Tập đoàn chủ yếu xuất phát từ việc không đáp ứng các điều kiện về thoái vốn theo quy định của Nhà nước. Ảnh: TK
Đầu tư tài chínhkém hiệu quả…

Đánh giá về hiệu quả đầu tư tài chính của Tập đoàn, số liệu kiểm toán cho biết, vốn đầu tư của Công ty mẹ tại DN khác (không bao gồm đầu tư vào công ty 100% vốn nhà nước) là hơn 2,8 nghìn tỷ, bằng 3,9% vốn chủ sở hữu, trong đó đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính 1,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,6% tổng vốn đầu tư, tương đương 2,43% vốn chủ sở hữu Công ty mẹ; đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm chiếm 20,74% tổng vốn đầu tư, tương đương 0,86% vốn chủ sở hữu Công ty mẹ. Cổ tức, lợi nhuận nhận được trong năm 2012 là 105,1 tỷ đồng, đạt 3,7% trên tổng giá trị đầu tư.

Tuy nhiên, trong tổng số 82 DN Công ty mẹ đầu tư vốn có 26 đơn vị có lỗ lũy kế, 56 DN kinh doanh có lãi, trong đó có 35 đơn vị Tập đoàn đã nhận được lợi nhuận trong năm 2012, có 21 khoản đầu tư có cổ tức lợi nhuận được chia năm 2012 trên vốn đầu tư lớn hơn 10%, 14 khoản đầu tư có cổ tức lợi nhuận được chia năm 2012 trên vốn đầu tư nhỏ hơn 10%, còn lại phần lớn các khoản đầu tư tại DN khác hiệu quả đầu tư thấp hoặc là không hiệu quả.

Đáng chú ý, giá trị thị trường của các khoản đầu tư đến thời điểm 31/12/2012 bị giảm sút nhiều so với vốn đầu tư. Nguyên nhân giảm giá chủ yếu do các DN Tập đoàn đầu tư vốn hoạt động sản xuất kinh doanh bị thua lỗ. Một số đơn vị không thua lỗ nhưng giá trị giao dịch thị trường bị giảm sút làm giảm giá trị thực tế của các khoản đầu tư.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra các khoản đầu tư không hiệu quả, khó thu hồi vốn tại Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện (PTE). Do tình hình tài chính của PTE bị thua lỗ, không thể huy động được nguồn vốn từ thị trường để thanh toán các khoản tiền gửi đến hạn trước đây đã huy động từ các ngân hàng thương mại, để duy trì hoạt động của PTE, Tập đoàn đã gửi tiền gửi với kỳ hạn một năm, tạo điều kiện cho PTE duy trì thanh khoản, vượt qua khó khăn để ổn định kinh doanh với số tiền cả gốc lẫn lãi là 497,6 tỷ đồng.

…nhưng khó thoái vốnđầu tư

Mặc dù đầu tư tài chính không hiệu quả nhưng kế hoạch thoái vốn đầu tư của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam lại không thực hiện được do trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Tập đoàn, đến năm 2015, Tập đoàn lập kế hoạch thoái vốn tại 63 đơn vị Tập đoàn đầu tư góp vốn với tổng giá trị vốn đầu tư trên 2,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch thoái vốn năm 2012 trở về trước là 34 đơn vị với giá trị vốn đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng (đến thời điểm kiểm toán kế hoạch này chưa thực hiện được). Năm 2012, Công ty mẹ thực hiện thoái vốn tại 3 công ty cổ phần và giảm góp vốn tại 1 quỹ thành viên với tổng số vốn đầu tư giảm 161,9 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2013-2015 Tập đoàn thoái vốn tại 29 đơn vị với giá trị vốn đầu tư gần 1,3 nghìn tỷ đồng.

Những khó khăn trong thoái vốn của Tập đoàn chủ yếu xuất phát từ việc không đáp ứng các điều kiện về thoái vốn theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước chỉ quy định thoái vốn đối với các khoản đầu tư phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và không được thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của đơn vị có góp vốn.

Theo quy định này, Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, việc thực hiện thoái vốn và cơ cấu lại các danh mục khó thực hiện (đối với một số danh mục giá trị trường xuống thấp hơn giá trị sổ sách, danh mục kinh doanh thua lỗ gần như không thể thực hiện được), thực hiện chậm, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của Tập đoàn.

Tương tự, việc thoái vốn các danh mục có lỗ lũy kế và danh mục niêm yết, tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán về việc chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ không thể thực hiện thoái vốn. Việc không được thoái vốn tại DN lỗ mà Tập đoàn không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vốn của Tập đoàn.

Hay đối với trường hợp Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM) - 1 trong 4 Quỹ đầu tư mà Tập đoàn góp vốn. Thực hiện Thông tư 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính (Tập đoàn không được đầu tư vào các Quỹ đầu tư, chứng khoán), Tập đoàn đã thoái vốn được 3 Quỹ đầu tư, còn đối với Quỹ BVIM (Tập đoàn góp vốn 30 tỷ đồng) việc thoái vốn cũng rất khó khăn.

Do đây là Quỹ đóng nên để thoái vốn được, Tập đoàn phải tìm được nhà đầu tư chấp nhận mua lại phần vốn của Tập đoàn tại Quỹ hoặc Quỹ giải thể trước thời hạn. Tuy nhiên, việc tìm được nhà đầu tư để thực hiện việc chuyển nhượng là không khả thi do Quỹ kinh doanh không hiệu quả và do tình trạng chung của thị trường chứng khoán thời điểm đó. Việc Tập đoàn yêu cầu giải thể Quỹ cũng không thể thông qua do chỉ sở hữu 2% vốn điều lệ. Vì vậy, việc thoái vốn tại Quỹ đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn khó thực hiện được.

ĐĂNG KHOA

Cùng chuyên mục
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 2012: Kỳ II “Vướng” trong thoái vốn đầu tư