Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (Trích tham luận của Thanh tra KTNN tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của KTNN)

(BKTO) - KTNN được xác định là cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng, là một công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi tham nhũng. Nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng và sự nguy hại của tham nhũng, hơn 20 năm qua, KTNN ngày càng khẳng định vai trò và vị trí không thể thiếu trong bộ máy nhà nước cùng góp phần phòng, chống tham nhũng.




KTNN đã chuyển các vụ việc ở Tổng công ty Thủy sản Việt Nam cho cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, kết quả phòng, chống tham nhũng của KTNN cơ bản đã thực hiện tốt các công tác: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, công khai công tác tuyển dụng, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức của KTNN, thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm công chức lãnh đạo của KTNN, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý.

Công tác phòng, chống tham nhũng của KTNN đã được phân giao cho cả các đơn vị trực thuộc cùng thực hiện. Trong đó, Thanh tra KTNN được giao tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất quản lý, thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động KTNN đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc KTNN.

Năm 2015, thực hiện Kế hoạch thanh tra đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt, Thanh tra KTNN đã triển khai 14 Đoàn thanh tra, trong đó có 4 Đoàn thanh tra trách nhiệm quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và người đứng đầu đơn vị; 10 Đoàn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực thuộc KTNN trong hoạt động kiểm toán.

Qua thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh một số tồn tại, đồng thời biểu dương những mặt làm được của các đơn vị được thanh tra. Ngoài hoạt động thanh tra của Thanh tra KTNN, các đơn vị trực thuộc KTNN đã thực hiện tự kiểm tra toàn diện ít nhất một Đoàn kiểm toán trực thuộc đơn vị. Qua công tác tự kiểm tra đã giúp cho công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được tốt hơn, tăng cường đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Trong năm 2015, qua công tác thanh tra nội bộ, KTNN chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, năm 2015, KTNN đã tiếp nhận 90 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, gồm 64 đơn tố cáo, phản ánh; 26 đơn khiếu nại, kiến nghị. Trong đó có 85 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của KTNN; 5 đơn thuộc thẩm quyền nhưng không đủ điều kiện để xử lý. Các đơn thư gửi đến đã được KTNN xem xét, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính hàng chục ngàn tỷ đồng; đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra; tiếp nhận kết quả điều tra 1 vụ từ cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an; cung cấp 9 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.


Quyết tâm phòng,chống tham nhũngbằng nhiều giải pháp

Để thúc đẩy tiến trình phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Thanh tra KTNN kiến nghị KTNN cần tập trung thực hiện một số giải pháp chiến lược. Trong đó, Thanh tra KTNN nhấn mạnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy KTNN đối với công tác phòng, chống tham nhũng: tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; mở rộng dân chủ, tạo đồng thuận cao trong nhận thức, bằng quyết tâm và hành động thiết thực, rút ngắn khoảng cách giữa nhận thức và hành động cụ thể trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Song song với việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, nên tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về phát hiện và kiến nghị xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sách nhiễu trong ngành KTNN.

Thực hiện sự phân cấp mạnh mẽ trong hệ thống hành chính đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ. Nhanh chóng xây dựng quy định cụ thể để xử lý được ngay việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, tạm đình chỉ chức vụ của người có dấu hiệu tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Rà soát các quy định hiện hành, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trực thuộc KTNN trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là trong việc giám sát cán bộ, công chức và người lao động của KTNN trong thực thi công vụ nhằm răn đe, phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, cần thiết lập đường dây nóng của KTNN để tiếp nhận kịp thời các thông tin, phản ánh về tham nhũng trong hoạt động của KTNN.

Thanh tra KTNN cũng đề xuất cần sớm hoàn thiện địa vị pháp lý và tăng cường năng lực cho cơ quan Thanh tra KTNN theo quy định của Luật Thanh tra, đồng thời cần thống nhất quan điểm chỉ đạo hoạt động thanh tra, giao cho một đơn vị chuyên môn tập trung thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của ngành. Theo Thanh tra KTNN, năm 2016, KTNN cần tăng cường thanh tra đột xuất ở các lĩnh vực hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ xảy ra tham nhũng như trong các khâu của quy trình kiểm toán, công tác đầu tư xây dựng…

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (Trích tham luận của Thanh tra KTNN tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của KTNN)