Kết hợp kinh nghiệm kiểm toán với áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro

(BKTO) - Theo các đơn vị kiểm toán, việc kết hợp các phương pháp kiểm toán truyền thống, đặc biệt là dựa trên kinh nghiệm của kiểm toán viên với phương pháp mới như kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu sẽ góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt là trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo ngân sách Bộ, ngành.



                
   

Kiểm toán viên cần tuân thủ nguyên tắc xác định trọng yếu.
   Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Không tách rời các cách thức tiếp cận kiểm toán

Tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là phương pháp kiểm toán tương đối mới đang được KTNN chú trọng triển khai thực hiện. Từ thực tiễn kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cho rằng, việc hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán, trong đó có việc ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với lĩnh vực kiểm toán báo cáo ngân sách Bộ, ngành (Hướng dẫn) đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung.

“Trước khi chưa có các quy định cụ thể, tài liệu hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, việc xác định các tiêu chí hay đánh giá rủi ro trong báo cáo ngân sách Bộ, ngành gặp nhiều khó khăn, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động kiểm toán” – lãnh đạo KTNN chuyên ngành II cho biết.

Chung ý kiến, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Nguyễn Văn Giáp cho biết thêm, việc kiểm toán dựa trên kinh nghiệm của kiểm toán viên không thể giải quyết triệt để những yêu cầu đặt ra từ cuộc kiểm toán báo cáo ngân sách Bộ, ngành, cũng như xác định được những rủi ro trọng yếu của cuộc kiểm toán, khi đây là lĩnh vực kiểm toán rộng.

Khi có những nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng để đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, các đoàn kiểm toán, kiểm toán viên sẽ có căn cứ để triển khai kiểm toán một cách thống nhất trong toàn ngành, nhất là trong bối cảnh KTNN đang đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề với sự tham gia của nhiều đơn vị kiểm toán.
                
   

Kết hợp kinh nghiệm kiểm toán với áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro sẽ góp phần nâng cao khả năng phát hiện vấn đề cho kiểm toán viên. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Những lưu ý này cũng đã được TS. Nguyễn Văn Giáp thể hiện rõ trong Đề tài “Xây dựng Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các đơn vị dự toán thuộc ngân sách Bộ, ngành” đã được Hội đồng khoa học KTNN nghiệm thu.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, đại diện lãnh đạo đơn vị kiểm toán cũng lưu ý, điều quan trọng đối với mỗi đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán, đó là phải bám sát các nguyên tắc xác định trọng yếu theo hướng dẫn của KTNN; đồng thời kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để đưa ra những đánh giá chính xác, phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kiểm toán.

Tuân thủ các nguyên tắc xác định trọng yếu

Theo Hướng dẫn, trọng yếu trong kiểm toán cần được xem xét cả về mặt định lượng và định tính. Khi xét đoán tính trọng yếu của các sai sót đối với kiểm toán báo cáo ngân sách Bộ, ngành, kiểm toán viên không chỉ dựa vào quy mô sai sót (khía cạnh định lượng) mà còn phải xem xét bản chất của sai sót trong từng hoàn cảnh cụ thể (khía cạnh định tính).

Về mặt định tính, các sai sót, thông tin thiếu hoặc thông tin không chính xác được coi là trọng yếu khi bản chất, tính chất và tầm quan trọng của nó có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin tài chính cho dù quy mô sai sót có thể nhỏ.

Theo đó, khi xem xét trọng yếu về định tính, kiểm toán viên cần lưu ý các trường hợp như: các vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội đang quan tâm ngoài lĩnh vực kinh tế; các nội dung thuộc trọng tâm, định hướng của Ngành liên quan đến cuộc kiểm toán; những thông tin thuyết minh quan trọng liên quan đến các báo cáo hoạt động hoặc đối với việc không tuân thủ.

Trong một số trường hợp, trọng yếu có thể xác định bằng các yếu tố phi tài chính để đánh giá rủi ro đối với các báo cáo hoạt động hoặc đối với việc thiếu tuân thủ. Khi trọng yếu này được xác định, kiểm toán viên sẽ đưa ra các dự kiến cơ bản đối với tính trung thực của báo cáo, hiệu quả về mặt chi phí của hoạt động và tính tuân thủ. Ví dụ như các sai phạm liên quan đến nghĩa vụ với NSNN; các hành vi, sai phạm liên quan đến gian lận, biển thủ công quỹ, tài sản;…

Từ thực tiễn triển khai kiểm toán dựa trên Hướng dẫn của Ngành, kiểm toán viên KTNN chuyên ngành II cho biết, trong một số trường hợp, khi kết hợp việc xem xét trọng yếu về định tính và định lượng, các sai sót vẫn được coi là trọng yếu mặc dù giá trị của các sai sót này có thể thấp hơn mức trọng yếu áp dụng cho tổng thể báo cáo ngân sách Bộ, ngành, bao gồm: các sai sót ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật, việc tuân thủ điều khoản hoặc các yêu cầu khác đối với từng nguồn kinh phí; làm tăng chi NSNN liên quan đến gian lận, lãng phí;...

Ví dụ, việc không tuân thủ các quy định, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ trong quản lý, điều hành NSNN như: phân bổ vốn chậm, không giải ngân được phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chiếm tỷ trọng lớn trên tổng chi NSNN hàng năm, hoặc chậm giải ngân đối với các nguồn vốn vay phải trả lãi, sử dụng sai nguồn; quy định mức phí, lệ phí được để lại quá lớn so với nhu cầu sử dụng của đơn vị, dẫn đến phải chuyển nguồn qua nhiều năm... trong khi nhiều nhiệm vụ khác thiếu nguồn để thực hiện, dẫn đến lãng phí NSNN đều là trọng yếu.

Do đó, trong giai đoạn lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần xác định trọng yếu về bản chất và ghi chép lại trong hồ sơ kiểm toán.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Kết hợp kinh nghiệm kiểm toán với áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro