Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội

(BKTO) - Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT 2 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến “kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021” tại 3 điểm cầu chính là Hà Nội, Đồng Tháp và Sóc Trăng.



                
   

Nông dân Đồng Tháp cắt tỉa, đóng gói nhãn trước khi cung cấp ra thị trường - Ảnh: qdnd.vn

   

Hội nghị nhằm hỗ trợ DN, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất của 2 tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các DN, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước. Qua đó nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời góp phần triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, hiện nay toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có nhiều loại nông sản chất lượng thế mạnh khác như: lúa gạo, cá tra, khoai lang, thanh long, xoài… với sản lượng thu hoạch hàng năm khá lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều mặt hàng và sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chất lượng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao hiện đang được phân phối rộng rãi trên các kênh tiêu thụ như siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ khắp cả nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh 3.130 ha, diện tích đang cho trái 2.536 ha; thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 với sản lượng khoảng 24.400 tấn; đồng thời, tỉnh hiện có 139 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thủy sản…

Tại Hội nghị, nhiều DN, hợp tác xã đã thông tin về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thuộc OCOP và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trên địa bàn toàn quốc nhằm tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.

Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản khẳng định, vận chuyển là mắt xích quan trọng trong cơ cấu giá thành, lợi nhuận và thời gian bảo quản của nông sản, vì vậy cần phát huy hết sức mạnh của hệ thống vận chuyển. Theo đó, các địa phương cần thống kê sản lượng nông sản theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết để cơ quan chức năng có căn cứ chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ cho quá trình tiêu thụ, tương tự như Bắc Giang đã làm với vụ vải vừa qua.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các DN, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản của 2 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội