Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Đoàn công tác của KEIDANREN, các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đến thăm Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và 20 năm Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản; đánh giá cao kết quả Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và KEIDANREN đồng tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là cơ hội để hai bên cùng trao đổi nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.
Thông tin về kết quả Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của KEIDANREN cho biết, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác nhân lực kỹ thuật cao, ICT, IOT mở ra cơ hội phát triển cho cả hai bên và góp phần thặt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và khó có thể dự báo trước thì việc hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vô cùng quan trọng, doanh nghiệp hai nước cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cùng vượt qua thách thức, phát triển phù hợp với tình hình mới, thời đại mới.
Các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của KEIDANREN cũng chia sẻ, Việt Nam là thị trường vô cùng hấp dẫn với nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao, thị trường tiêu thụ lớn và hấp dẫn đối với Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo của Việt Nam để hai bên cùng nhau khai thác thêm nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam - Nhật Bản là hai nước có quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng mà ít quốc gia có thể có được, trên cơ sở tin cậy chính trị đã có, hai bên có cơ sở để tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi phức tạp, biến động bất thường như hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục làm ăn lâu dài, ổn định và phát triển tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tồn đọng, khó khăn của từng doanh nghiệp thì điều quan trọng hơn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức hiệp hội tham gia đóng góp với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp theo tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.
Trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau thảo luận, bàn bạc để triển khai Chương trình hành động giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong giai đoạn tới Chương trình hành động phải kết nối và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực.
Một là, kết nối chiến lược phát triển kinh tế, các khung khổ luật pháp và chính sách của hai nước.
Hai là, hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng cho chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, giao thông và các lĩnh vực quan trọng khác.
Ba là, kết nối để tăng cường năng lực sản xuất của mỗi nước, thông qua kết nối giữa các doanh nghiệp để từ đó hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội cho biết, phía Việt Nam rất cần và quan tâm đến việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, năng lực quản trị, công nghệ, định hướng hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp.
Bốn là, kết nối trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Nhấn mạnh nội dung này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn KEIDANREN và các doanh nghiệp Nhật có tiếng nói với Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác về lao động giữa hai nước; mong muốn Nhật Bản sớm tháo gỡ những vướng mắc để hai bên có hợp tác thực sự về lao động theo quy định của pháp luật lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cho biết 4 nội dung chiến lược kết nối này không phải là nội dung mới mà là những nội dung được hai bên thống nhất trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2012, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục kiên trì, tích cực triển khai thực hiện các cam kết. Vì vậy, Chương trình hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản thời gian tới cần tập trung hướng đến thực hiện những vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ, góp sức của các doanh nghiệp Nhật Bản, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng châu Á ngày càng phát triển./.